Đô thị Việt Nam cạn quỹ đất ứng phó với dịch bệch, thiên tai

Trong hoạt động thường niên nhân ngày đô thị, 8-11, Bộ Xây dựng cùng Diễn đàn Đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Hiệp hội Các Đô thị Việt Nam và các đối tác quốc tế đã tổ chức hội thảo: Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Thông tin từ hội thảo đã giúp cập nhật bức tranh đô thị Việt Nam với cả mảng sáng và tối của nó.

40% dân số sống trong đô thị

Số liệu mới nhất mà Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng đưa ra là sau gần 35 năm đổi mới, đô thị hóa tăng tốc đã bao phủ được 40% tổng dân số, với 870 đô thị từ loại 5 trở lên, tức tối thiểu là thị trấn, thị tứ. Điểm tích cực là hệ thống các đô thị này phân bố tương đối đều trên cả nước.

Tuy nhiên, thống kê tỷ lệ đô thị hóa đến nay dựa trên dân số theo đơn vị hành chính lãnh thổ của các thị tứ, bao gồm cả dân số ngoại vi mà phần nhiều vẫn sống bằng nghề nông, nên con số "thị dân" là nhỏ hơn khá nhiều. 

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, TP Hà Nội phải tận dụng một số dự án nhà tái định cư để làm nơi cách ly, điều trị bệnh nhân.

Quá trình đô thị hóa từng bước gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một trong những nhân tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước.

Khu vực đô thị không chỉ tạo ra tăng trưởng GDP mà còn góp phần tích cực vào chuyển dịch mô hình tăng trưởng trong dài hạn, đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế. Đô thị từng bước tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các khu vực, góp phần giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, sự phát triển đô thị tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng chưa hiệu quả, gây phát thải lớn. 

“Hơn nữa, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Đây là những thách thức lớn, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay” - Thứ trưởng Hùng nói.

Thách thức mới nhìn từ đại dịch COVID-19

Góp ý kiến tại hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính đề cập đến các thách thức mới trong phát triển đô thị tại Việt Nam. Theo ông, hiện quỹ đất trong các đô thị đang cạn dần. Việc phát triển đô thị trong tương lai cần phải giải bài toán cân bằng nhu cầu sử dụng đất, do hiện nay các đô thị đang phải đối mặt với những vấn đề mới về thiên tai, dịch bệnh. 

“Đợt dịch vừa qua, nhiều thành phố đã phải trưng dụng dự án nhà tái định cư, trường học, sân vận động, khu liên hợp thể thao… để làm nơi cách ly, bệnh viện dã chiến. Điều này cho thấy các đô thị cần phải có không gian, quỹ đất dự trữ, để ứng phó với rủi ro về thiên tai và dịch bệnh ở quy mô lớn” - ông nói.

Các đại biểu tham gia Hội thảo đô thị hoá Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh

Theo chuyên gia này, việc lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào công tác lập, quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam đang từng bước được thiết lập, nhưng còn chưa quan tâm thích đang đến những vấn đề mới như phòng chống dịch bệnh, thiên tai.

Ông Chính cho rằng mặt hạn chế này cần khắc phục, trong đó việc tổ chức không gian đô thị đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong quy hoạch và phát triển đô thị trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. 

Theo cách ấy, với các đô thị nhỏ, phi tập trung, mật độ dân cư thấp thì cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo có đủ không gian xanh, không gian giải trí cho người dân và không gian sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần phát triển đô thị vệ tinh, giãn dân nội đô…

Bộ Chính trị sắp ban hành nghị quyết về phát triển đô thị

Liên quan đến phát triển đô thị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, triển khai nhiều đề án, chương trình cho giai đoạn 2021-2030 như: Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018 - 2025; Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030... 

“Sắp tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành nghị quyết về đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây sẽ là chỉ đạo ở cấp cao nhất về phát triển đô thị. Từ nghị quyết nói trên, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng những chính sách phát triển đô thị, tái thiết đô thị và dành nguồn lực xứng đáng cho công tác này” - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm