KTS Bùi Thế Long, CTA | Creative Architects, cho biết nội thất cho không gian nhà ở hẹp được chia thành nội thất cơ bản và nội thất đa chức năng.
Trong đó, nội thất cơ bản cho không gian hẹp có công năng sử dụng bình thường, tuy nhiên nội thất nên có hình dáng đơn giản, hạn chế chi tiết, hoa văn. Ngoài ra, màu sắc nên ưu tiên chọn nhẹ nhàng, tươi sáng như trắng, tone nude hay màu đồng sắc đồng nhất màu tường.
Với không gian hẹp, việc chọn nội thất cần hạn chế, chỉ những món đồ thật sự cần thiết cho không gian đó mới sử dụng, tránh thêm thắt dư thừa và chiếm diện tích những như chật trong tầm mắt.
Với không gian nhà hẹp, việc chọn nội thất cần hạn chế, chỉ chọn nội thất thật sự cần thiết.
Ví dụ như một không gian phòng khách hẹp, sofa nên chọn loại ghế băng hai hoặc ba ghế, stool đi kèm là loại ghế không lưng tựa, bàn sofa đi kèm là bàn đơn, tròn hoặc vuông. Bên cạnh đó, đường kính bàn hay chiều rộng 600 mm là đủ. Xét về nhu cầu có thật sự cần thiết bàn sofa hay không mà loại bỏ không cần.
Đối với bàn ăn, ưu tiên sử dụng bàn tròn hoặc vuông nếu diện tích không cho phép. Nếu dạng bàn hình chữ nhật thay vì chọn ghế ăn rời, chủ nhà có thể chọn ghế băng để tăng số người sử dụng được.
Công trình T-house ( CTA | Creative Architects) với không gian bếp kết hợp khu vực ăn được thiết kế với gam màu nhạt, tươi sáng, sử dụng ghế băng để tăng chỗ ngồi.
KTS Bùi Thế Long cho biết thêm, dạng bố trí nội thất chung thành một hệ đa chức năng cũng là một giải pháp cho không gian nhà hẹp. Bên cạnh đó, nội thất dạng hệ cũng mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao hơn về hình thức.
Ví dụ như phòng ngủ, bố trí bàn làm việc, bàn trang điểm, kệ TV, tủ quần áo… về chung một mảng tường với các kích thước tối thiểu sẽ làm căn phòng gọn gàng nhưng vẫn đầy đủ công năng sử dụng.
Các thiết kế nội thất gấp gọn, thông minh, thay đổi công năng sử dụng cũng là một hướng giải quyết mà hiện nay cũng rất thịnh hành.