Bến xe Miền Đông mới 4.000 tỉ sẽ hoạt động vào tháng 4-2020

Sau nhiều lần lỡ hẹn, đến nay Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới (quận 9, TP.HCM) vẫn chưa thể đi vào hoạt động do vướng mắc các thủ tục pháp lý. Đại diện chủ đầu tư - Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco) cho biết nếu giải quyết được các thủ tục pháp lý còn thiếu, công ty dự kiến sẽ khánh thành BXMĐ mới vào dịp 30-4-2020.

Cũng theo Samco, vấn đề pháp lý lớn nhất là công ty vẫn đang chờ UBND TP chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan cho ký kết hợp đồng thuê đất tại BXMĐ mới.

Được biết, ngày 22-10, UBND TP đã giao Sở TN&MT sớm ký hợp đồng cho công ty thuê đất nhưng đến nay chưa có phản hồi từ phía Sở. Khi có hợp đồng thuê đất, công ty sẽ sớm tổ chức đấu thầu cung cấp các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách trong bến.

Các hạng mục bên trong BXMĐ mới đã hoàn thiện 90%. Ảnh: TN

Một vấn đề pháp lý liên quan khác là việc đăng ký địa điểm kinh doanh chưa được Sở KH&ĐT TP cấp nên chưa thể hoạt động. Mặc dù bên trong bến xe, hạ tầng cơ bản đã được hoàn thiện hơn 90%, dự kiến đến 15-12 sẽ hoàn thành nốt các hạng mục lắp đặt.

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM và các đơn vị liên quan đã có nhiều cuộc họp nhằm giải quyết và phân bổ công việc để đảm bảo giao thông, đưa BXMĐ mới vào hoạt động. Đặc biệt, các vấn đề về giao thông kết nối như đường Hoàng Hữu Nam, đường số 13, đường D40 cần duy tu, sửa chữa, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường này.

Bên cạnh đó, Sở cũng đôn đốc chủ đầu tư xây dựng các công trình giao thông khẩn trương hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng đường Võ Chí Công, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình hầm chui, cầu vượt, cầu bộ hành... trên quốc lộ 1 tại khu vực trước BXMĐ mới nhằm tạo thuận lợi trong việc tiếp cận bến xe của hành khách.

Ngoài ra, Sở cũng tổ chức xe buýt phục vụ hành khách từ trong TP ra BXMĐ mới và phân kỳ từng giai đoạn khai thác cụ thể theo kế hoạch.

Bến xe Miền Đông mới khởi công từ tháng 4-2017 từng được kỳ vọng sẽ đưa vào sử dụng dịp tết Nguyên đán 2018. Thời gian dự kiến tiếp theo là quý I-2019 và ngày 15-8-2019 nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác.

BXMĐ mới có tổng diện tích 16 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Theo kế hoạch, di dời các tuyến vận tải hành khách cố định từ BXMĐ hiện hữu (quận Bình Thạnh) ra BXMĐ mới, trong giai đoạn 1 sẽ có 29 tuyến vận tải hành khách cố định có cự ly từ 1.100 km trở lên (từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc).

Trung bình có khoảng 40 chuyến/ngày xe khách hoạt động tại bến xe mới. Bên cạnh đó, nhiều tuyến xe buýt trợ giá (số 55, 76, 150) và không trợ giá (số 602, 611) được bố trí để phục vụ hành khách. Dự kiến có khoảng 80 chuyến xe buýt/ngày phục vụ khách ra vào bến xe.

Giai đoạn 2, di dời tiếp 85 tuyến xe khách cố định từ Huế trở vào miền Trung, Đồng Nai, Lâm Đồng, khu vực miền Tây và các tuyến liên vận quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.