Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng Sở GTVT, cho biết vấn đề tổ chức giao thông tại khu vực BXMĐ mới về cơ bản Sở đã họp và cố gắng thực hiện đúng tiến độ.
Tuy nhiên, đại diện Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) cho rằng để BXMĐ mới đi vào hoạt động thì cần phải thực hiện nhiều hạng mục. Trong đó, các bước khó khăn nhất về hạ tầng kỹ thuật thì đã triển khai xong và hiện chỉ đang chờ biên bản nghiệm thu chính thức từ Bộ Xây dựng.
Vị đại diện này cũng nhận định vì là bến xe mới nên cần có thời gian để hoạt động trơn tru, các công trình phụ trợ phải hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay các công trình phụ trợ vẫn đang nằm trên giấy nên chưa thực sự kết nối lưu thông với bến xe mới.
Theo đại diện Samco, trong giai đoạn đầu khai thác có lẽ chưa mang lại hiệu quả cao, vì khoảng cách từ bến tới trung tâm TP quá xa. Từ đó sẽ khó lòng nhận được sự đồng thuận của hành khách. “Đây là nguyên nhân dẫn đến bùng phát thêm xe dù, bến cóc. Nếu thực trạng này diễn ra thì Sở GTVT sẽ triển khai và xử lý như thế nào?” - đại diện Samco đặt vấn đề.
Bến xe Miền Đông mới vẫn chưa có ngày hoạt động chính thức. Ảnh: THY NHUNG
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT, lý giải bến cóc, xe dù nghĩa là đón trả khách hoặc lập bến bãi không đúng nơi quy định. Trên thực tế hiện nay, khi lực lượng thanh tra đi kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải thì họ đều có giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên, khi bến xe ở quá xa thì người dân sẽ có nhu cầu được đưa rước tận nơi và tất yếu sẽ phát sinh bến cóc, xe dù.
Để giải quyết vấn đề này, ông Khánh cho biết ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm thì cần phát triển các phương tiện công cộng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời ngành cũng sẽ tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về thực trạng bến cóc, xe dù này.
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là việc ngưng khai thác bãi đậu xe tại các dạ cầu ở TP.
Ông Ngô Hải Đường cho biết trước đây các dạ cầu trong nội đô TP được sử dụng để cải tạo mảng xanh, nâng cấp xung quanh cầu và tiến hành thu phí dưới dạ cầu. Trong đó phải đảm bảo vấn đề phòng cháy chữa cháy và an toàn giao thông.
Tuy nhiên, Thông tư 35/2017 của Bộ GTVT quy định các tổ chức, cá nhân không được chiếm dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đỗ xe, các dịch vụ kinh doanh khác. Qua đó, tháng 5-2018, Sở đã yêu cầu một số đơn vị ngừng khai thác. Những gầm cầu đã ngưng hoạt động, Sở sẽ bàn giao cho đơn vị quản lý tiến hành rào chắn để bảo vệ và phát triển mảng xanh.
Hiện nay Nghị quyết 12 của Chính phủ về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2019-2021 có cho phép sử dụng gầm cầu để sử dụng đậu xe. Vì vậy, Sở GTVT đã có hai văn bản gửi Bộ GTVT để kiến nghị và góp ý về Thông tư 35 và 50 điều chỉnh lại một số nội dung, cho phép sử dụng gầm cầu linh động trong đô thị.