Đề xuất đầu tư đường trên cao 30.000 tỉ theo 3 phương án

Chiều 30-12, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã tổ chức buổi báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đường trên cao Bắc - Nam TP.HCM, đoạn từ đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Theo đó, CII đã đề xuất ba phương án đầu tư cho dự án này.

Đề án này sau khi được góp ý, hoàn chỉnh, phê duyệt sẽ tiến hành đấu thầu tìm chủ đầu tư. Với nhiệm vụ là một công ty hạ tầng của TP, chúng tôi mạnh dạn nghiên cứu đề xuất để tìm ra phương án tốt nhất cho dự án. Sau buổi làm việc hôm nay, chúng tôi mong muốn các quận, huyện hỗ trợ CII để ước tính chi phí GPMB một cách tiệm cận nhất.
bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng giám đốc CII 

Dự án có tổng mức đầu tư gần 30.000 tỉ đồng

Ông Nguyễn Văn Công, Công ty Tư vấn thiết kế B.R, cho biết một số tuyến đường liên kết vùng, tuyến đường vành đai triển khai còn chậm. Do đó, việc kết nối TP.HCM và các tỉnh lân cận vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc sớm đầu tư tuyến đường trên cao là hết sức cần thiết.

Ông Công chia sẻ: Theo quy hoạch của TP.HCM, có năm tuyến đường trên cao. Trong nghiên cứu, tuyến đường trên cao Bắc - Nam sẽ kết nối ba tuyến đường trên cao lại với nhau, bao gồm tuyến đường trên cao số 1, 2 và 3. Tổng chiều dài của tuyến khoảng 14 km với bốn làn xe, tổng mức đầu tư của toàn dự án gần 30.000 tỉ đồng. Trong đó, tổng chi phí xây dựng là 12.000 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là 13.000 tỉ đồng.

Phối cảnh dự án nút giao Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: ĐT

Bên cạnh đó, trên tuyến đường này sẽ có năm nút giao. Trong đó có ba nút giao lớn là Lăng Cha Cả, Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Văn Linh. Điểm đặc biệt tại nút giao Lăng Cha Cả có một nhánh nối từ sân bay lên đường trên cao, nhánh N2 đi ra từ đường trên cao về sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra còn có nhánh từ đường Lê Văn Sỹ và đi ra vào đường Bùi Thị Xuân.

Đối với nút giao Nguyễn Văn Cừ, ông Công đánh giá hạ tầng đã cơ bản hoàn chỉnh song khu vực này thường xuyên bị kẹt xe. Tuyến này có nhánh N1 đi từ đường Võ Văn Kiệt nối với đường trên cao, nhánh N2 từ đường trên cao kết nối với cầu Nguyễn Văn Cừ, nhánh N3 từ đường Tôn Thất Thuyết kết nối lên đường trên cao và nhánh N4 từ đường trên cao xuống cù lao ông Kiệu. Tại nút giao Nguyễn Văn Linh cũng kết nối đường trên cao với đường Nguyễn Văn Linh.

Ba phương án đầu tư

Tại buổi báo cáo, đại diện CII cho biết UBND TP.HCM đã giao CII nghiên cứu tiền khả thi dự án đường trên cao Bắc - Nam từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh. Theo CII, tuyến đường trên cao là dự án có quy mô lớn, nếu không có chính sách hỗ trợ mới thì rất khó thực hiện và hoàn vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, CII đề xuất ba phương án nghiên cứu đầu tư. Trong đó, phương án 1 là đầu tư công hoặc kêu gọi ODA. Phương án 2 là thu phí hoàn vốn đơn thuần bằng thu phí giao thông. Sau khi tính toán, CII đánh giá nguồn thu phí giao thông trong 26 năm sẽ hoàn vốn được 20% tổng mức đầu tư. Như vậy, 80% còn lại ngân sách nhà nước phải chi trả.

Đối với phương án 3, CII đề xuất tiếp tục nghiên cứu đầu tư để tăng tỉ trọng PPP lên 50% tổng mức đầu tư. Bằng cách xem xét mức giá thu phí, tìm nguồn vốn lãi suất thấp, khai thác quỹ đất trên tuyến, chỉnh trang đô thị

Theo bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng giám đốc CII, trước đó CII đã được giao nghiên cứu tuyến đường trên cao số 1, song do lưu lượng xe tính toán khá thấp, không khả thi nên đơn vị xin tạm ngừng và xin chuyển hướng sang nghiên cứu đường trên cao Bắc - Nam. CII cho biết việc đầu tư đường trên cao trong giai đoạn này là thực sự cần thiết, góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là bồi thường GPMB và phương án hoàn vốn cho dự án.

Sau khi nghiên cứu, CII đánh giá hai phương án đầu tiên không thể hiện được vai trò của nhà đầu tư PPP. Do đó, nhà đầu tư đang tiếp tục nghiên cứu theo hướng để tăng tỉ trọng PPP lên ít nhất 50% tổng mức đầu tư. Hiện nay, CII đang nghiên cứu phương án xây dựng nhà trên tuyến mà nhiều nước trên thế giới áp dụng. Theo bà Trâm, nếu làm theo phương án này thì sẽ tiết kiệm quỹ đất ở trên và tạo điểm nhấn chỉnh trang đô thị cho TP.HCM.•

Giải quyết bài toán kẹt xe khu vực Tân Sơn Nhất

Đại diện Sở QH-KT đánh giá trong đề án Phát triển kết cấu hạ tầng TP.HCM (2020-2030) có đề xuất đầu tư hai tuyến đường trên cao. Có thể thấy tuyến đường trên cao rất cần thiết và chủ đầu tư đã đưa ra phương án đầu tư cho dự án này là phù hợp với yêu cầu của TP.

Vị đại diện Sở QH-KT đánh giá ý tưởng thiết kế phương án tuyến là rất tốt. Hiện nay lưu lượng giao thông lớn, đặc biệt là khu vực Tân Sơn Nhất vốn nằm sâu trong khu đô thị nên khi tuyến Bắc - Nam được hình thành sẽ giải quyết bài toán giao thông khu vực này.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm