57.000 tỉ cho giao thông vận tải miền Tây

Ngày 13-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu tại TP Cần Thơ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển lĩnh vực GTVT cho ĐBSCL. Trong Nghị quyết 120 Chính phủ cũng nhìn nhận, hệ thống GTVT của vùng ĐBSCL còn yếu kém chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng.

Do đó, Chính phủ giao cho Bộ GTVT và các tỉnh, thành trong khu vực hai nhiệm vụ. Thứ nhất là điều chỉnh quy hoạch GTVT trong vùng và đặc biệt là xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025 với tiêu chí là sẽ đầu tư nhiều hơn để làm sao bền vững hệ thống giao thông của vùng.

Thứ hai là tập trung mọi nguồn lực để chỉ đạo và hoàn thành những dự án, công trình trọng điểm đang triển khai trên địa bàn. Trong 3 năm qua Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để thực hiện hai nhiệm vụ này.

Theo đó, về quy hoạch, đến thời điểm này, Bộ đã hoàn thành 5 lĩnh vực quy hoạch giao thông. Trong quá trình này Bộ đã phối hợp chặt chẽ với 13 tỉnh, thành và yêu cầu các địa phương điều chỉnh quy hoạch giao thông của địa phương kết nối với trung ương, để làm sao có được hệ thống GTVT tốt nhất.

Trong tháng 4 tới, Bộ sẽ trình 5 lĩnh vực quy hoạch này với Chính phủ để Chính phủ nhanh nhất có thể phê duyệt quy hoạch giao thông tổng thể của vùng ĐBSCL và cả nước nói chung.

Cầu Vàm Cống được khánh thành vào năm 2019. Ảnh: PLO

Trong quy hoạch vận tải có điểm mới mang tính đột phá là sau khi Bộ nghiên cứu, thấy rằng ĐBSCL cần phải có một cảng nước sâu là cửa ngõ để đưa được hàng hóa của vùng ra thế giới cũng như nhập hàng hóa từ thế giới về đồng bằng thông qua một cảng ở khu vực.

Do đó Bộ mạnh dạn đề xuất quy hoạch cảng nước sâu Trần Đề với tàu có tải trọng 100.000 tấn. Từ đó kêu gọi nhà đầu tư để hình thành cửa ngõ cho vùng ĐBSCL.

“Khi có cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và cảng biển này thì chúng tôi tin chắc rằng khu vực này sắp tới sẽ có chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất tốt…” – ông Thể nói.

Cũngg theo Bộ trưởng Thể, trong 3 năm qua, Bộ đã tập trung hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi để hình thành trục mới từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) tới Kiên Giang, tạo thêm tiềm năng, thế mạnh cho vùng và tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cũng được khánh thành đầu năm 2021. Ảnh: CHÂU ANH

Chính phủ cũng đã dành gần 5.000 tỉ đầu tư công để khởi công 3 gói thầu từ cầu Mỹ Thuận cho đến Cần Thơ. Đến hết năm 2021 sẽ thảm nhựa và đưa vào khai thác đoạn cao tốc từ Trung Lương đến Mỹ Thuận.

Cầu Mỹ Thuận 2 được bố trí 5.000 tỉ và sẽ hoàn thành trong năm 2023. Riêng đoạn cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong năm 2022.

Như vậy, cao tốc nối TP.HCM với TP Cần Thơ – trung tâm của vùng, sẽ được hoàn thành trong nhiệm kỳ này.

Ngoài ra Bộ cũng đang thực hiện một số dự án đang trình Quốc hội như cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Long Xuyên – Cần Thơ – Sóc Trăng để nối với cảng quốc tế Trần Đề…

Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 về GTVT, chúng ta sẽ đầu tư khoảng 57.000 tỉ, so với nhiệm kỳ vừa qua chỉ 29.000 tỉ, thì nhiệm kỳ này riêng lĩnh vực GTVT sẽ tăng khoảng 96% so với nhiệm kỳ 2016-2020. Các địa phương sẽ phối hợp tốt với Bộ thực hiện kế hoạch này để đến năm 2025, GTVT của vùng có điều kiện phát triển tốt hơn, giúp cho khu vực chuyển đổi và phát triển bền vững” – Bộ trưởng Thể cho hay.

3 phương án làm cao tốc Cần Thơ – Cà Mau
3 phương án làm cao tốc Cần Thơ – Cà Mau
(PLO)- Đa số các địa phương đều chọn phương án tuyến theo phương án 2, đi song song tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tổng chiều dài toàn tuyến 138 km, diện tích giải phóng mặt bằng lớn nhất với 900 ha, tổng mức đầu tư lớn nhất với 61.000 tỉ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm