Bộ Công an không nên quản lý cấp giấy phép lái xe

Bộ Công an vừa đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT về Bộ Công an. Theo đề xuất, Bộ Công an sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ, bao gồm việc sát hạch và cấp, đổi, thu hồi GPLX…

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số ý kiến góp ý về đề xuất này.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:

Vừa thực hiện vừa giám sát sẽ không khách quan

Trước năm 1995, việc sát hạch, cấp, đổi GPLX và đăng kiểm phương tiện cơ giới do Cục CSGT - Trật tự (Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an) đảm nhiệm. Tuy nhiên, Chính phủ, Quốc hội nhận thấy sự bất hợp lý nên đã xem xét, đánh giá lại. Theo đó, tháng 8-1995, Bộ GTVT được Chính phủ giao phụ trách lĩnh vực này.

Hiện ngành giao thông đã quản lý sát hạch, cấp GPLX được 25 năm. Cạnh đó, ngành giao thông cũng đổi mới quản lý GPLX với nội dung quan trọng xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc và đổi mới GPLX...; áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ bốn trong việc đổi GPLX quốc tế và thực hiện trả kết quả thủ tục hành chính đến người dân qua dịch vụ bưu chính công ích.

Ngành giao thông đang làm tốt công việc của mình. Quan điểm tôi là những cái gì đang vận hành phù hợp với thực tế, người dân chấp nhận, dư luận không phê phán gì lớn thì nên để cho nó vận hành ổn định, hội nhập quốc tế. Nếu thay đổi sẽ phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến bộ máy, công tác đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ vận hành ở ngành công an, thiếu cẩn thận sẽ gây tốn kém, lãng phí…

Quy trình hiện nay rất rõ ràng, ngành GTVT quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Bộ Y tế ban hành quy định về quản lý sức khỏe tài xế. Bộ Công an kiểm tra, xử phạt vi phạm trên đường. Như vậy là không chồng chéo, mỗi cơ quan đảm nhiệm một khâu và có sự giám sát lẫn nhau sẽ minh bạch hơn. Nếu về Bộ Công an vừa thực hiện vừa giám sát có vẻ không khách quan cho lắm.

Đào tạo lái xe tại Trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Sở GTVT TP Đà Nẵng:

Nếu còn lỗ hổng thì tìm cách sửa lại

Trước đây, công an là đơn vị được giao quản lý sát hạch, cấp GPLX. Tuy nhiên. sau đó không hiểu vì bất cập hay khó khăn gì, nhiệm vụ này được chuyển giao cho Bộ GTVT. Cách đây gần chục năm, Bộ Công an cũng từng có đề nghị được tổ chức quản lý sát hạch, cấp GPLX, tuy nhiên Chính phủ không đồng ý.

Có chuyển việc sát hạch, cấp, đổi GPLX về Bộ Công an hay không là thẩm quyền quyết định của trung ương. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định bên nào làm tốt hơn. Bộ Công an nói ngành GTVT quản lý còn lỏng lẻo là cũng hơi chủ quan, vì có chỗ này chỗ khác. Riêng Đà Nẵng, từ trước đến nay, bên công an cũng không có ý kiến gì về việc này. Sở GTVT vẫn làm tốt công tác sát hạch, cấp đổi GPLX mà không phát sinh gì quá bất cập.

Việc quản lý sát hạch rất quan trọng, chưa chắc Bộ Công an đã làm tốt hơn Bộ GTVT. Thời gian qua, Bộ GTVT cũng làm tương đối tốt, còn có lỗ hổng chỗ nào thì tìm cách bịt lại, không nhất thiết phải chuyển cả cho Bộ Công an.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM:

Ứng dụng tốt công nghệ nhận dạng và theo dõi

Trong công tác quản lý đào tạo lái xe, qua 10 năm thực hiện, ngành GTVT đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực và được xã hội ghi nhận. Cụ thể, sau nhiều lần biên soạn bộ giáo trình đào tạo lái xe, hiện nay ngày càng đi sát với thực tiễn, nội dung và số giờ học lái xe cung cấp đầy đủ kiến thức về pháp luật và kỹ năng cho người học.

Trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo cũng nâng tầm hơn với nhiều chương trình như đưa vào sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, trang bị cabin điện tử và thiết bị giám sát thời gian, quãng đường học. Đồng thời, ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi, các trung tâm sát hạch lái xe cũng đã lắp đặt camera giám sát đầy đủ để truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Điều này cho thấy ngành GTVT đã thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp GPLX ngày càng nâng cao hiệu quả, góp phần đảm bảo trật tự an toàn đường bộ.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM:

Nhiệm vụ của Bộ Công an đã quá nhiều

Hiện nay, những nhiệm vụ và chức năng của Bộ Công an đã nhiều và rất nặng nề. Mỗi nước đều có đặc điểm khác nhau nhưng so với các nước trên thế giới, chức năng của Bộ Công an Việt Nam trong thời bình đã gánh vác nhiều hơn.

Ví dụ, ở nhiều nước, việc cấp CMND, hộ chiếu hay thẻ an sinh xã hội thường thuộc một cơ quan hành chính chuyên trách, công an không làm. Thậm chí về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn cũng có đơn vị hành chính chuyên trách làm nhưng ở Việt Nam cũng đã thuộc ngành công an.

Việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trên thế giới, đa số các nước không do ngành công an làm. Do vậy, nếu có một số hoạt động hành chính, kể cả cấp GPLX, nếu hiện nay làm chưa tốt thì Chính phủ và các bộ, ngành nên tìm ra nguyên nhân để khắc phục, chấn chỉnh. 

Đặc biệt, Bộ Công an có một chức năng quan trọng không ai thay thế được, cần tập trung làm tốt, đó là phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh công cộng, trật tự an toàn xã hội và ngăn chặn, xử lý vi phạm. Vừa qua, tình hình vi phạm pháp luật cho thấy còn rất nghiêm trọng, tội phạm hình sự có nhiều biến dạng, diễn biến tinh vi, phức tạp trong điều kiện công nghệ hiện đại ngày nay, chưa kể các loại tội phạm mới, hình thức mới, thủ đoạn mới. Đất nước ta có gần 100 triệu dân, dài hàng ngàn kilomet, vùng biển và biên giới rộng, dài và phức tạp. Việc phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội đã là nhiệm vụ rất nặng nề. Theo tôi, Bộ Công an nên tập trung vào lĩnh vực này. 

Luật sư Vũ Phi Long, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Không đồng tình việc giao lại cho ngành công an

Theo xu hướng nhà nước pháp quyền hiện đại, Bộ Công an, các lực lượng vũ trang nên giảm dần trong lĩnh vực quản lý dân sự. Việc sát hạch hay quản lý cấp, đổi GPLX là thuộc lĩnh vực dân sự trong một xã hội bình thường, để tiếp tục xu hướng văn minh đó.

Tôi không đồng tình việc giao lại cho ngành công an. Đối với các vấn đề tiêu cực, phát sinh từ việc sát hạch, bằng lái xe giả mạo hay liên quan đến nó cũng chỉ là những việc rất là nhỏ so với tổng thể chung của xã hội. Nếu việc đó có sai phạm thì cứ việc xử lý bằng hình sự hoặc hành chính. Còn nếu cho rằng việc quản lý lỏng lẻo hoặc nội dung sát hạch chưa đầy đủ thì Bộ Công an vẫn có quyền góp ý để chương trình sát hạch thực hiện làm sao cho chặt chẽ. Hiện nay, vấn đề đào tạo, sát hạch đang được Bộ GTVT quản lý ổn định và phù hợp với xã hội.

Bạn đọc nói gì?

Sau bài viết “Bộ Công an muốn quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe”, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc về vấn đề này.

Theo bạn đọc phamhienxaydung@...: Bộ Công an muốn quản lý sát hạch, cấp, đổi GPLX, vậy Bộ Công an có dám khẳng định là khi quyền sát hạch, cấp, đổi GPLX về bộ thì sẽ không có tiêu cực hay kẽ hở. Theo tôi, nếu Bộ Công an và Bộ GTVT cùng ngồi lại xem quy trình cấp GPLX hiện nay có kẽ hở nào để cùng bít thì người học, thi GPLX khó lách qua khe.

Bạn đọc nguoidantggt@... thì cho rằng theo thống kê tại báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2019, không thống kê nguyên nhân tai nạn giao thông (TNGT) do lái xe kinh doanh vận tải nhưng có thống kê nguyên nhân TNGT do vi phạm quy trình thao tác lái xe chiếm 6,8%. Như vậy, việc nói hơn 70% các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải có đảm bảo sự khách quan không?

Còn bạn đọc Lê Văn San cho rằng việc quan trọng nhất bây giờ là chất lượng đầu ra của học viên và ý thức tham gia giao thông của người dân. Cho dù cơ quan nào quản lý việc cấp GPLX và đào tạo lái xe đi nữa thì việc tổ chức sát hạch như thế nào mới là quan trọng. Tỉ lệ người mới được cấp GPLX gây TNGT rất thấp bởi sự cẩn thận và chưa có kinh nghiệm xử lý các tình huống trên đường nên họ rất cẩn thận trong quá trình tham gia giao thông.

LT tổng hợp 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm