Cần thu phí trở lại cao tốc TP.HCM -Trung Lương

Nhiều tài xế phản ánh việc ngừng thu phí tại cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã thực sự gặp nhiều hệ lụy: Hạ tầng xuống cấp, diễn biến giao thông phức tạp, nhanh giảm tuổi thọ tuyến cao tốc gần chục ngàn tỉ đồng… Đặc biệt, đã có một số vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Bát nháo trên cao tốc

Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, lưu lượng xe tải, xe container lưu thông qua tuyến này khá đông, từng đoàn nườm nượp nối đuôi nhau di chuyển. Tình trạng xe khách, xe tải lấn làn, phóng nhanh, đánh võng qua các xe khác diễn ra phổ biến.

Ngoài ra, những xe đi đúng làn lại di chuyển với tốc độ rất chậm so với tiêu chuẩn và khó giữ khoảng cách an toàn với các xe khác. Điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Anh Phan Đăng Lâm, tài xế xe tải (ngụ quận 12, TP.HCM), cho biết anh thường xuyên chở hàng xuống các tỉnh miền Tây. Gần một năm nay, anh chỉ có thể đi với vận tốc trung bình 50-60 km/giờ bởi xe đông và đường xuống cấp khiến anh bất an.

“Lúc trước đi với tốc độ 100-120 km/giờ, còn bây giờ thì chỉ còn 50-60 km/giờ thôi. Nhiều phương tiện chọn đi cao tốc vì không thu phí, thời gian rút ngắn so với đường khác nên lượng xe tăng chóng mặt. Nhiều xe lấn làn, vượt ẩu nguy hiểm lắm” - anh Lâm nói.

Anh Phan Duy (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) bức xúc: “Có hôm đang đi với tốc độ đều đều giữ khoảng cách với xe trước, bỗng đâu xe trước lách qua bên phải làm tôi khá bất ngờ. Thì ra có một xe bị hư hỏng đậu ngay giữa làn cao tốc, suýt nữa là tôi tông vào xe đó rồi. Các xe sau cũng chới với thắng dúi dụi”.

Còn anh Chế Bắc Hà, tài xế ô tô bảy chỗ, bày tỏ quan điểm: “Tôi thà bỏ ra mấy chục ngàn trả phí mà tính mạng đảm bảo còn hơn là cứ buông thả cho phương tiện muốn chạy sao thì chạy. Tình hình giao thông ở đây lộn xộn lắm rồi, một xe lấn làn sẽ dẫn đến nhiều xe nhân cơ hội đó bon bon theo sau vượt lên trên các xe khác. Theo tôi, nếu không thu phí sớm thì một thời gian sau cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ như đường làng”.

Ngoài ra, suốt đoạn đường của tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã có nhiều vị trí xuống cấp. Tại khu vực dưới biển báo “giữ khoảng cách an toàn” hướng Tiền Giang - TP.HCM mặt đường bị bong tróc, lồi lõm. Những vết nứt dài xuất hiện nhiều trên tuyến và có dấu hiệu lan rộng ra.

Tình trạng xe lấn làn, phóng nhanh, vượt ẩu trên cao tốc diễn ra phức tạp. Ảnh: THU TRINH

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: THU TRINH

Thu phí là thật sự cần thiết

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, lưu lượng xe trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương hiện nay rất đông. Điều này cho thấy nhu cầu phương tiện lưu thông trên cao tốc là có thật.

Hiện nay tuyến cao tốc trên đã xuống cấp. Đơn vị quản lý nếu muốn thu phí lại thì phải lên kế hoạch nâng cấp gối đầu cho tuyến. Nếu bắt đầu thu phí từ bây giờ mà chưa tiến hành nâng cấp, sửa chữa thì giống như thu tiền đường quốc lộ để lấy tiền làm cao tốc.

Đồng quan điểm, TS Phạm Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía nam, cũng cho hay: Dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tài sản của Nhà nước, việc thu hồi vốn chưa đủ nên quyền pháp lý của Nhà nước là vẫn phải thu hồi nguồn vốn. Vì vậy, thu phí cao tốc này là thật sự cần thiết trên cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật khai thác tuyến cao tốc.

Hậu quả một năm không thu phí là đường đã xuống cấp và sau này việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa mặt đường cũng khó khăn hơn vì cần vốn lớn hơn. Ngoài ra, tình trạng bát nháo của các loại xe quá tải đã làm hết tuổi thọ của con đường gần chục ngàn tỉ đồng.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài 62 km, được xem là tuyến giao thông huyết mạch kết nối TP.HCM với khu vực Tây Nam bộ. Thi công từ năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2010. Năm 2012, tuyến cao tốc này bắt đầu thu phí để hoàn vốn cho ngân sách nhà nước đã ứng trước 9.880 tỉ đồng. Đến ngày 1-1-2019, cao tốc dừng thu phí do Công ty Yên Khánh hết hợp đồng chuyển nhượng quyền thu phí. Tiếp đó, Tổng cục Đường bộ tiếp nhận cao tốc và giao lại cho Cục Quản lý đường bộ IV. 

Qua đó TS Hùng đặt vấn đề: “Tại sao cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm quản lý không tiếp tục thu phí mà để lãng phí khả năng thu hồi vốn của Nhà nước? Gần một năm không thu phí, đường xuống cấp, ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, đánh giá: Cao tốc TP.HCM - Trung Lương là công trình đường bộ đạt chuẩn cao tốc đầu tiên tại Việt Nam. Việc tái khởi động thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương thật sự rất cần thiết.

Theo ông Chủng, thông qua trạm thu phí, chúng ta kiểm soát được việc điều tiết lưu lượng xe trên tuyến, kiểm tra được loại xe, tải trọng xe một cách chuẩn xác. Ngoài ra còn làm tăng nguồn thu thực hiện bảo trì và ngân sách nhà nước.

Quan trọng nhất là mở lại trạm thu phí đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến. “Chứ hiện nay cao tốc TP.HCM - Trung Lương ai đi cũng phải lo, chỉ sợ tắc giữa đường” - ông Chủng nói.

Về vấn đề trên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Trung Lương), cho biết đơn vị đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) kiến nghị sớm thu phí trở lại cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Hiện nay, cục quản lý đang chờ cấp thẩm quyền quyết định.

Theo đánh giá của ông Thành, qua 10 năm khai thác chưa được trùng tu nên vấn đề xuống cấp mặt đường là chuyện tất yếu xảy ra. Nếu thu phí trở lại, giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ giảm bớt lưu lượng xe cộ và hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông.

Trong trường hợp không thu phí trở lại, ông Thành cho hay: Cục đã thường xuyên phối hợp với đơn vị quản lý trong công tác duy tu, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Qua đó đảm bảo an toàn giao thông và ùn tắc giao thông trên tuyến cao tốc.

Trước tình trạng xe quá tải lưu thông trên tuyến, ông Thành thông tin: “Cục quản lý cũng phối hợp với Thanh tra sở, CSGT kiểm soát từ các đầu nguồn hàng. Đồng thời tiến hành kiểm tra đột xuất trên các tuyến, kiểm soát tải trọng xe lưu động”.

Nhiều sự cố, tai nạn diễn ra

• Gần 16 giờ ngày 2-1, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 7 phát hiện một phụ nữ (nghi bị tâm thần) chở một cháu bé chạy xe máy ngược chiều trên làn số 1 cao tốc TP.HCM - Trung Lương (hướng từ Long An về TP.HCM). Tuy chưa xảy ra tai nạn nhưng việc này rất nguy hiểm, gây hoang mang cho người đi đường.

• Trước đó, ô tô tải 51C-270.52 di chuyển về hướng miền Tây. Khi đến đoạn xã Hướng Thọ Phú, TP Tân An, Long An, xe này bất ngờ tông vào đuôi ô tô tải 60C-273.79 lưu thông cùng chiều phía trước. Vụ tai nạn khiến đầu chiếc xe 51C-270.52 bị hư hỏng hoàn toàn, tài xế tử vong tại chỗ, người cùng xe bị thương nặng và tử vong sau đó.

• Ngày 3-9-2019, một tài xế điều khiển xe container 51D-164.16 lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hướng từ TP.HCM về Tiền Giang bất ngờ tông vào trạm thu phí. Cú tông mạnh khiến cabin số 3 trên đường cao tốc bị sập hoàn toàn, buồng thu phí vỡ nát.

• Đầu năm 2019 (ngày 19-1), ô tô tải chở hàng chuyển phát nhanh khi đến Km 25 đã tông thẳng vào xe khách TP.HCM chở hàng chục em nhỏ. Cách hiện trường trên không xa cũng xảy ra va chạm giữa hai xe khách. Cả hai vụ va chạm đều không có thương vong về người nhưng khiến giao thông theo hướng về miền Tây kẹt cứng, hàng ngàn xe ùn ứ kéo dài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm