Sở GTVT TP.HCM cho biết nhiều năm qua TP đã có những bước tiến trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ giao thông, song lượng phương tiện cơ giới tăng nhanh nên sản lượng vận tải hành khách công cộng đạt tỉ lệ thấp. Theo đó, sở đã đưa các giải pháp nhằm cải thiện vận tải hành khách công cộng, kinh phí thực hiện dự kiến là 393.792 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 47.644 tỉ đồng.
Nhiều phương án phát triển giao thông công cộng
Cụ thể, Sở GTVT TP đã đưa ra nhiều phương án như phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn TP đến năm 2030 nhằm hình thành mạng lưới hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, sở cũng tập trung nguồn lực để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ đưa vào khai thác tuyến đường sắt số 1, 2 và tuyến buýt nhanh BRT.
Từ nay đến năm 2030, sở sẽ đầu tư và đưa vào khai thác tuyến buýt nhanh Thủ Thiêm - Long Thành, đồng bộ với tiến độ xây dựng sân bay Long Thành. Trong giai đoạn này, sở cũng tiến hành nghiên cứu một số loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trong đô thị phù hợp với đặc thù giao thông; phát triển hệ thống giao thông thủy nội địa kết hợp với phát triển du lịch…
Sở GTVT tp cũng đưa ra một số kế hoạch khác như phát triển hệ thống xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ; đầu tư các bến xe buýt, phát triển các đầu mối trung chuyển xe buýt; kết nối vận tải hành khách công cộng với giao thông cá nhân; kết hợp với các tuyến giao thông công cộng với nhau.
Đặc biệt, sở sẽ tiến hành xã hội hóa các phương tiện xe đạp công cộng, xe máy điện công cộng, xe điện phù hợp hiện trạng giao thông để hỗ trợ kết nối các phương tiện giao thông công cộng khác. Đối với nhóm giải pháp xe cá nhân, sở đưa ra phương án tổ chức thu phí ô tô vào khu vực trung tâm TP; kiểm soát hoạt động mô tô, xe máy.
Sở GTVT TP.HCM đưa ra nhiều phương án phát triển giao thông công cộng. Ảnh: ĐÀO TRANG
Phải cạnh tranh được với xe máy
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho biết khi TP đưa ra phương án cụ thể, chắc chắn TP đã nghiên cứu kỹ. Song TP cần tính toán phương án nào thật khả thi vì nhiều năm nay giải pháp phát triển xe buýt không thành công bởi không tính được hết các yếu tố phát triển. Có thể thấy cấu trúc đô thị của TP.HCM chỉ phù hợp với xe máy vì có nhiều hẻm nhỏ. Do đó, TP cần tính giải pháp phát triển giao thông công cộng có sự cạnh tranh với xe máy mới khả thi.
TP cần tính những trường hợp nào sẽ đi xe buýt, đi metro để hoàn thiện từng bước. Lâu nay xe buýt mở tràn lan nên mới có sự thất bại, thậm chí nhiều tuyến phải đóng cửa. Có thể thấy metro số 1 sắp hoàn thiện thì cần tăng sự kết nối giữa tuyến này với xe buýt, làm sao để kết nối với trường học, khu công nghiệp... Đặc biệt, không nên dùng biện pháp xử phạt hành chính để buộc người dân phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
TP nên hoàn thiện đề án phát triển giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu của người dân mới tính toán đến bài toán hạn chế xe cá nhân. Tránh tình trạng người dân không đi xe máy cá nhân lại chuyển sang ô tô, đây cũng là một phương tiện chiếm diện tích lớn, gây ùn tắc hơn.