Năm 2019, thu phí trở lại ở cầu Bình Triệu

"Năm 2019, khi hoàn thành hai tiểu dự án xây dựng ngã năm Đài liệt sĩ và mở rộng đường Ung Văn Khiêm, Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) sẽ thực hiện thu phí trở lại ở vị trí cầu Bình Triệu!" - Chiều 29-8, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CII thông tin như trên.

Ông Bình cho biết, đến nay quận Bình Thạnh đang lên kế hoạch đền bù, giải tỏa, thu hồi đất ở khu vực ngã năm Đài liệt sĩ và các hộ dân dọc tuyến đường Ung Văn Khiêm, từ ngã năm đến chân cầu Sài Gòn. "Những ngày tới CII sẽ khởi động trở lại xây dựng hai tiểu dự án này và đến năm 2019 thì hoàn thành xây dựng, sau đó là thu phí trở lại ở cầu Bình Triệu, phía đầu cầu quận Thủ Đức để thu hồi vốn cho dự án cầu - đường Bình Triệu 2" - Ông Bình nói.

Trạm thu phí BOT cầu Bình Triệu ngưng thu từ tháng 7-2016 sẽ thu phí trở lại vào năm 2019.

Về vấn đề các cabin và dải phân cách nằm ở trạm thu phí đang tạm ngưng hoạt động, ông Bình cho biết sẽ không đập bỏ mà sẽ cắt cử người trực để làm vệ sinh và sẵn sàng tham gia điều hòa giao thông khi có ùn ứ ở đầu cầu Bình Triệu 1, 2 nơi có trạm thu phí.

Về tiểu dự án mở rộng quốc 13 (1/5 dự án thành phần nằm trong dự án cầu Bình Triệu 2), ông Bình cho biết đến nay vẫn chưa biết bao giờ sẽ tái khởi động trở lại vì ngân sách của TP vẫn chưa có để bố trí cho việc đền bù, giải tỏa.

Đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh sau nhiều năm nằm bất động tới đây sẽ được CII thi công mở rộng.

Cũng theo ông Bình, đến năm 2019. CII sẽ hoàn thành các hạng mục như nút giao - hàm chui Đại học Quốc gia, đường song hành xa lộ Hà Nội. "Riêng đoạn Xa lộ Hà Nội từ nút giao Đại học Quốc gia đến cầu vượt Tân Vạn bị phụ thuộc rất lớn vào công tác đền bù, giải tỏa nên chưa thể thi công, hoàn thành sớm được. Tuy nhiên việc thu phí ở trạm Xa lộ Hà Nội vẫn được thực hiện để thu hồi vốn cho các hạng mục đã thi công xong trước đây!" - Ông Bình nói.

Về kế hoạch đầu tư từ nay đến năm 2020, ông Bình cho biết CII sẽ không làm những công trình BOT trên nền công trình cũ, nhỏ lẻ nữa mà sẽ tập trung vào những công trình mới có quy mô vốn lớn từ trên 1.000 tỷ đồng như tuyến đường trên cao số 1 với vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng. "CII sẽ tập trung, làm trước ở các công trình BOT mặn mà, dễ ăn chứ không làm những miếng xương xẩu, điều tiếng, nhạy cảm như trước đây! Miếng nào xương xẩu quá thì để từ từ tính sau!" - Ông Bình nêu rõ quan điểm của CII với các nhà đầu tư và báo giới.

Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc Công ty CII.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm