Quận Bình Tân: Ùn tắc ở BOT An Sương - An Lạc do gây rối

Tại cuộc họp báo chiều 27-1, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân (TP.HCM), đã thông tin về tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc những ngày qua và cho biết tới đây sẽ có những biện pháp mạnh, xử lý dứt khoát những người gây rối.

Gây rối liên tục

Ông Đỗ Đình Thiện thông tin từ ngày 3-12-2018 đến trước ngày 25-1-2019, tại khu vực trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc thường xuyên có nhóm người lái xe đến trước các cabin không chịu đóng phí. Nhóm này liên tục dừng xe phản đối việc thu phí và quay video tung lên mạng. Cùng lúc, nhóm này thường lôi kéo nhiều tài xế khác tham gia cùng gây rối.

Đỉnh điểm là ngày 25-1, nhóm này không chỉ gây sự với nhân viên trạm thu phí mà còn chống đối lực lượng thi hành công vụ dẫn đến việc ùn tắc cục bộ trên tuyến quốc lộ 1A tại khu vực trước và sau trạm. “Hành động cố tình gây mất trật tự tại trạm của nhóm người này đã làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội không chỉ của quận Bình Tân, TP.HCM mà còn ảnh hưởng đến các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Đồng thời gây cản trở việc đi lại an toàn, thông suốt của người dân, nhất là vào dịp cao điểm đi lại cuối năm” - ông Thiện cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng IDICO-IDI (đơn vị chủ đầu tư, khai thác đoạn An Sương - An Lạc), cho biết từ sau ngày 3-12-2018, công ty đã phát đi các bản tuyên truyền, giải thích về cơ sở pháp lý của thời gian thu phí đến năm 2033. Ở cả hai chiều đi-về trạm đã căn băng rôn trên cao với nội dung: Mọi thắc mắc về thu phí thì chủ xe, người lái hãy vào văn phòng công ty (sát ngay bên trạm) để được giải thích, tránh dừng xe quá năm phút trước trạm, gây ùn tắc giao thông… “Nhưng từ đó đến nay, không có ai vào văn phòng để được giải thích. Ngay cả một số cá nhân trong nhóm chuyên quậy phá đó chúng tôi đã mời vào trạm để cung cấp hồ sơ pháp lý, giải thích tường tận nhưng họ không vào mà đậu xe trước trạm và quậy tiếp” - ông Ninh cho biết.

Tài xế dừng xe bên cabin, phản đối đóng phí và quay video tung lên mạng. (Ảnh do IDICO-IDI cung cấp)

Một ô tô tông vào cọc tiêu, chạy sang làn khác trước cabin thu phí gây nguy hiểm cho các xe đi sau. (Ảnh do IDICO-IDI cung cấp)

Đã nhiều lần xử lý hành chính

Trung tá Nguyễn Thanh Phong, Phó trưởng Công an quận Bình Tân, cho biết phía công an đã giải thích rõ các hành vi dừng xe quá năm phút tại trạm hoặc đậu xe bỏ đi… là vi phạm pháp luật. “Công an đã tuyên truyền, giải thích rõ về pháp luật, đề nghị IDICO-IDI mở barie cho người của nhóm trên đi qua, không thu phí nhưng họ vẫn cố tình đậu xe, tắt máy, bỏ đi” - trung tá Phong thông tin.

Từ ngày 3-12-2018, do hành vi gây rối của nhóm người trên, IDICO-IDI đã bị thiệt hại hàng tỉ đồng. Chúng tôi đang tổng hợp, liệt kê các khoản thiệt hại do phát sinh chi phí tăng cường ca, bảo vệ, xả trạm… Sau khi thống kê đầy đủ, chính xác, với tư cách người bị hại, chúng tôi sẽ có đơn đề nghị cơ quan chức năng khởi tố vụ án.

Ông Nguyễn Hồng NinhGiám đốc Công ty CP
Đầu tư  xây dựng IDICO-IDI.
 

Trung tá Phong cho biết Công an quận Bình Tân đã xử phạt vi phạm hành chính ba người trong nhóm trên sáu lần về ba hành vi vi phạm là: Dừng, đậu xe không đúng quy định; không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ và hành vi gây mất trật tự đường phố.

Cũng theo trung tá Phong, sau các lần bị xử lý vi phạm hành chính, nhóm này chuyển sang thuê xe tự lái hoặc giả đi nhờ xe rồi đến trước trạm kích động, buộc lái xe phải dừng lại… “Nhóm người này dùng các xe đi lên ngã tư, nơi quay đầu xe gần trạm rồi quay xe ngay lập tức để đến trước trạm tiếp tục gây rối mà không đi thẳng suốt tuyến như các xe khác. Thậm chí họ còn lùi xe hoặc quay đầu đi ngược chiều trên các làn đường qua trạm để vào trước các cabin quậy tiếp. Đây là những hành vi rất nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông và nguy cơ gây tai nạn cho các xe khác” - trung tá Phong khẳng định.

Sở GTVT TP.HCM trả lời về việc xây bốn cầu vượt

Ngày 26-1, Sở GTVT TP.HCM có văn bản trả lời một số thắc mắc của người dân xoay quanh dự án BOT An Sương - An Lạc. Cụ thể, về việc xây dựng bốn cầu vượt, theo Sở GTVT TP, việc đầu tư, quản lý, khai thác bốn cầu vượt bổ sung là gắn liền trong tổng thể dự án BOT An Sương - An Lạc với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông tại các nút giao, tạo điều kiện cho các phương tiện giao thông thuận lợi, an toàn và thông suốt trên quốc lộ 1.

ý kiến cho rằng chi phí đầu tư làm 14 km đường chỉ hơn 831 tỉ đồng nhưng làm bốn cầu vượt có chi phí 1.623 tỉ đồng là cao, không hợp lý. Sở GTVT TP trả lời công trình cầu có suất đầu tư cao hơn nhiều so với công trình đường. Cụ thể, theo Quyết định số 1291/QĐ-BXD ngày 12-10-2018 của Bộ Xây dựng, suất đầu tư xây dựng cầu khoảng 38 triệu đồng/m2; đường khoảng 2,1 triệu đồng/m2.

Về thời gian thu phí đến năm 2033 là quá dài, Sở GTVT TP trả lời thời gian thu thực tế sẽ được điều chỉnh căn cứ giá trị quyết toán công trình của dự án BOT An Sương - An lạc và doanh thu thu phí thực tế, lãi vay, chi phí bảo trì công trình… được kiểm toán và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Như vậy, khi xe qua trạm tăng lên, thời gian thu phí sẽ giảm xuống chứ không phải là đến năm 2033.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm