Ngày 4-12, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (IDICO-IDI, đơn vị chủ đầu tư), đã gửi báo cáo đến UBND TP.HCM, Sở GTVT về việc mất trật tự an ninh xảy ra tại trạm thu phí BOT An Sương-An Lạc (quốc lộ 1, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) vào chiều tối 3-12.
Có dấu hiệu tổ chức kích động
Theo báo cáo, vào chiều 3-12, có sáu phương tiện dừng tại một số làn thu phí. Người lái không đồng ý mua vé, không chịu qua trạm mặc dù nhân viên BOT An Sương-An Lạc đã giải thích việc thu phí là đúng. Cùng thời điểm, một số người kéo đến trạm, đứng tại các đảo có cabin và thiết bị phục vụ thu phí. Họ hò hét, chụp ảnh, quay phim kích động các lái xe khác đang lưu thông qua trạm dừng lại, không mua vé.
Nhóm người đi trên sáu xe trên cho rằng BOT An Sương-An Lạc đã “quá thời hạn thu phí 31 tháng” và yêu cầu chủ đầu tư phải bỏ trạm thu phí. “Do đây là giờ cao điểm, lưu lượng xe qua trạm đông, công ty buộc phải xả trạm để đảm bảo an ninh trật tự tại trạm” - ông Ninh cho biết. Theo văn bản báo cáo, sự cố này kéo dài đến 23 giờ cùng ngày (3-12) mới chấm dứt, các đối tượng giải tán và trạm thu phí hoạt động trở lại.
Trước đó, trên một số trang thông tin cá nhân đã xuất hiện một số lời kêu gọi “đi bão” ở trạm BOT An Sương-An Lạc và cả những ngôn từ kích động, “ném đá”.
Trạm BOT An Sương-An Lạc hoạt động bình thường trong ngày 4-12. Ảnh: LƯU ĐỨC
Một tài xế đọc và chụp bản thông tin về thời gian thu phí được chủ đầu tư gắn lên sáng 4-12. Ảnh: LƯU ĐỨC
Xây thêm bốn cầu vượt
Theo ông Nguyễn Hồng Ninh, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn An Sương- An Lạc dài gần 14 km, được thực hiện từ năm 2003 đến 2004. Theo đó, đoạn tuyến này đã được mở rộng lên hơn 36 m, mở rộng sáu nút giao thông đồng mức và xây sáu cầu mới trên tuyến. Sau khi hoàn thành (giai đoạn 1), dự án bắt đầu thu phí từ 2-1-2005 đến 31-1-2017 (145 tháng). Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, dọc tuyến được đô thị hóa nhanh, khu dân cư, khu công nghiệp phát triển mạnh nên các điểm giao cắt đồng mức trở thành điểm nóng về kẹt xe, tai nạn giao thông của TP.
Quan điểm của TP là các dự án BOT trên địa bàn phải hoạt động đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch. Mấu chốt trong quản lý các hợp đồng BOT đó là trạm BOT phải đúng vị trí và thu đúng đối tượng, mức thu và thời gian thu phù hợp. Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM |
Trước tình hình trên, ngay từ năm 2005-2010, TP đã đề ra chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, trong đó có các điểm nóng, điểm đen trên tuyến quốc lộ 1A. Từ đó, trong các năm 2013, 2014 đến 2017, IDICO-IDI cùng với TP xây dựng bốn cầu vượt trên đoạn An Sương-An Lạc gồm: cầu vượt tỉnh lộ 10 và 10B, cầu vượt hương lộ 2 và cầu vượt Lê Trọng Tấn. Đến tháng 5-2017, tổng mức đầu tư mở rộng quốc lộ 1A và đầu tư bổ sung các cầu vượt của IDICO-IDI là gần 2.455 tỉ đồng. Qua ba lần bổ sung các cầu vượt trên, IDICO-IDI được UBND TP cho phép kéo dài thời gian thu phí đến năm 2033 nhằm thu hồi vốn đầu tư.
Theo ông Lê Quốc Đạt, Phó Giám đốc IDICO-IDI, từ giữa năm 2010, quốc lộ 1A qua TP.HCM trong đó có đoạn An Sương-An Lạc được chuyển giao quyền quản lý, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa… từ Bộ GTVT về cho UBND TP. “Như vậy, các bản hợp đồng, phụ lục hợp đồng BOT về bổ sung các công trình cầu vượt, thực hiện thời gian thu phí mới đến 2033 mà IDICO-IDI ký với các cơ quan có thẩm quyền và được UBND TP cấp giấy chứng nhận đầu tư mới là đúng với quy định pháp luật” - ông Đạt nói.
Ngay trong sáng 4-12, IDICO-IDI đã phát hành, dán thông báo nêu rõ quá trình đầu tư, thu phí chính và bổ sung để người dân, lái xe, chủ xe nắm rõ. Qua sự việc trên, ông Lê Quốc Đạt cũng nhìn nhận IDICO-IDI đã thiếu thông tin đến người dân, chủ xe, lái xe về việc bổ sung đầu tư và thời gian thu phí. “Chúng tôi đã chưa thông tin đầy đủ, kịp thời nên một số người dân hiểu nhầm IDICO-IDI thu phí lố thời gian. Đây là sự việc mà chúng tôi có thiếu sót” - ông Đạt nói.
Xem xét chưa tăng giá vé đến năm 2020 Ngay trong chiều 4-12, Sở GTVT TP.HCM đã họp khẩn về tình hình ở trạm BOT An Sương-An Lạc. Trước đó có tình hình nhiều trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên cả nước đang đối diện sự phản đối của các chủ phương tiện qua trạm và người dân địa phương, Sở GTVT đã phối hợp với các cơ quan chức năng, sở, ngành, địa phương có liên quan làm việc với nhà đầu tư các dự án để rà soát, phối hợp trong công tác quản lý hoạt động các trạm đang thu phí trên địa bàn TP. Theo đó, Sở GTVT đã phối hợp với nhà đầu tư và các đơn vị liên quan để tập trung đầu tư hệ thống thu phí tự động, xem xét chưa tăng giá vé đến năm 2020, tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng và xây dựng các phương án dự phòng trong trường hợp người dân phản đối việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm. |