Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo mới nhất vừa đề xuất rút ngắn thời hạn của một số hạng giấy phép lái xe (GPLX).
Công an TP Hà Nội từng đề xuất
Cụ thể, tại điểm 9 Điều 51 về GPLX, quy định thời hạn GPLX như sau: GPLX hạng A1, A2, A3 không thời hạn; GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn năm năm kể từ ngày cấp.
Đề xuất trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người. Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn liệu việc rút ngắn thời hạn GPLX có gây rắc rối, tốn kém cho người lái xe.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc rút ngắn thời hạn GPLX từ 10 năm xuống năm năm chỉ nên áp dụng đối với một số hạng GPLX, các hạng B1 và B2 nên giữ nguyên như hiện nay. Ông Quyền cũng cho rằng cần làm rõ mục đích của đề xuất này. Nếu thay đổi thời hạn GPLX để yêu cầu cập nhật kiến thức mới cho người lái xe thì có ý nghĩa, còn chỉ tăng số lần đổi GPLX sẽ có thể gây nhiều phiền toái cho người dân.
Còn theo ông Võ Trọng Lương, một giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm dạy lái xe ở TP.HCM, cho rằng vẫn nên giữ nguyên theo quy định cũ. Việc làm thủ tục cấp đổi lại GPLX ngoài việc phải khám sức khỏe lại cho người lái xe thì chi phí, tiền lệ phí cấp đổi cũng sẽ gây tốn kém cho người dân. Đặc biệt là việc người dân phải tốn nhiều thời gian đi lại.
Được biết, hồi năm 2017, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng từng đưa ra đề xuất tương tự. Khi ấy, rất nhiều ý kiến cũng lo ngại việc này sẽ gây phiền hà cho người dân.
Theo đề xuất của Bộ Công an, GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn năm năm kể từ ngày cấp. Ảnh: Lưu Đức
Tư duy ngược?
Đại diện một trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe tại TP.HCM cũng không đồng ý với đề xuất này. Theo vị này, trước đây đã từng quy định thời gian cấp đổi GPLX là năm năm, sau đó đổi thành 10 năm, nay quay lại năm năm, không khác gì nói thời gian qua đã làm sai và người đưa ra quy định đó cũng sai. Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đã làm tốt và cũng đã thống nhất với nhau các quy định hiện hành, cải tổ cho phù hợp với thực tế.
Nếu lấy lý do về sức khỏe để yêu cầu người có GPLX năm năm phải đổi giấy phép là không thực tế. Bởi vì hiện nay, các đơn vị vận tải khi sử dụng tài xế đều yêu cầu các tài xế hằng năm phải khám sức khỏe và kiểm tra ma túy. Còn đối với người dân, khi lái xe nếu sử dụng ma túy thì đã có lực lượng CSGT kiểm tra trên đường.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng trong lúc Quốc hội đang tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ Công an lại đề xuất giảm thời hạn của bằng lái là một nghịch lý không phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Điều này còn tạo ra nhiều thủ tục hành chính, gây khó khăn đối với người dân.
“Tôi cho rằng có nhiều biện pháp để quản lý tài xế chứ không nhất thiết phải rút ngắn thời gian cấp, đổi lại bằng lái. Bởi việc này gây tốn kém tiền bạc, sức lao động của người dân. Đặc biệt, trong xã hội tiêu cực vẫn là nỗi lo lớn của người dân thì việc chỉ năm năm đã bắt đổi, cấp lại bằng lái là đề xuất gây hại cho dân…” - ông Liên khẳng định.
Dẫn chứng những công nhân làm việc trong các nhà máy, ông Liên cho rằng nghề lái xe cũng như nhiều nghề khác, càng lái lâu năm thì kinh nghiệm càng nhiều, nếu bắt họ đổi, cấp lại bằng lái thì phi lý, một đề xuất với lối tư duy ngược.
“Chúng ta muốn tăng cường quản lý tài xế, cần phải áp dụng công nghệ để quản lý con người chứ không ai lại đi quản lý bằng lái của họ được bao năm để buộc đi đổi, cấp lại. Sắp tới người ta cũng tiến tới bỏ hộ khẩu, sao ta cứ gây thêm khó khăn, phiền phức cho dân…” - ông Liên nói.
Bộ Công an vẫn đang nghiên cứu Trao đổi với PV về vấn đề trên, một lãnh đạo Cục CSGT, Bộ Công an cho biết đơn vị đang nghiên cứu, xây dựng các quy định trong dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, hiện nay dự thảo này “vẫn chưa xong”. “Khi nào có quyết định chính thức, đơn vị sẽ thông tin” - vị này cho biết. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện nay. Được biết, hiện Chính phủ đang giao cho Bộ GTVT soạn Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Công an soạn Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay việc đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe vẫn chưa được phân rõ giao cho đơn vị nào quản lý về mặt nhà nước (quy định hiện hành thuộc Bộ GTVT) nên ở hai dự luật đều có điều khoản quy định về đào tạo, cấp bằng lái xe. |