“Thời gian qua, nhiều công trình giao thông quan trọng của khu vực ĐBSCL đã hoàn thành. Đặc biệt, các công trình cầu vượt sông Tiền, sông Hậu và các nhánh sông lớn đã xóa đi sự chia cắt giữa các tỉnh trong vùng; việc cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ giúp thay đổi diện mạo về hệ thống đường bộ và phương thức vận tải đường bộ trong vùng so với trước đây” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về hiện trạng đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL và các giải pháp để tháo điểm nghẽn này.
Hoàn thành nhiều công trình quan trọng
. Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết về tình hình đầu tư hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL thời gian qua?
Nguyễn Nhật
+ Thứ trưởng Nguyễn Nhật (ảnh): Ở ĐBSCL đã có nhiều dự án mang tính đột phá hoàn thành trong khoảng 10 năm qua. Có thể kể đến các cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Cao Lãnh, Vàm Cống, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Hàm Luông, Mỹ Lợi; dự án xây dựng cao tốc TP.HCM - Trung Lương, một số đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên qua Đồng Tháp Mười, tuyến hành lang ven biển phía nam kết nối Cà Mau với Campuchia, đường Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, đường hành lang ven biển phía nam… Hiện nay ngành giao thông đang triển khai xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, triển khai cầu Mỹ Thuận 2, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, nâng cấp các tuyến quốc lộ 57, quốc lộ 53, quốc lộ 30, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp…
Cùng với đường bộ, Bộ GTVT xác định vận tải đường sông chính là thế mạnh của ĐBSCL. Vì vậy, dự án nâng cấp hai tuyến đường thủy TP.HCM - Kiên Giang và TP.HCM - Cà Mau đạt tiêu chuẩn cấp III cho tàu 600-800 tấn lưu thông đã được hoàn thành. Hai tuyến trên cùng các dự án nâng cấp nhiều tuyến đường thủy quan trọng trong khu vực đã giúp nâng cao năng lực vận tải thủy, đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM.
Đối với hàng không, chúng ta đã xây xong sân bay quốc tế Cần Thơ (công suất 3 triệu hành khách/năm) và sân bay Phú Quốc (công suất 4 triệu khách/năm), giúp kết nối trực tiếp ĐBSCL với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế.
Các công trình lớn nêu trên đã mở ra cho ĐBSCL nhiều phương thức vận tải để kết nối với cả nước và quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng ĐBSCL.
Cầu Vàm Cống - một trong hai cầu lớn vượt sông Hậu, kết nối tuyến N2 thông mạch từ miền Đông Nam bộ về miền Tây. Ảnh: ANH HÀO
Vẫn còn lắm việc phải làm
. Nhưng thưa Thứ trưởng, hạ tầng giao thông của ĐBSCL vẫn đang gặp phải nhiều nút thắt, điểm nghẽn…
+ Có thực tế là do điều kiện địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông, rạch, nền đất yếu nên suất đầu tư các công trình giao thông của vùng ĐBSCL rất lớn, trong khi nguồn lực quốc gia còn hạn hẹp. Việc huy động xã hội hóa đầu tư cũng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên kết quả đầu tư hạ tầng giao thông cho ĐBSCL hiện vẫn còn một số hạn chế.
Tôi có thể chỉ ra ngay một số điểm nghẽn, nút thắt về giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL như bạn vừa nói. Đó là các tuyến trục dọc, trục ngang chính yếu chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc chưa hoàn thành (tuyến N2, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến duyên hải phía đông…). Chính vì vậy, chất lượng dịch vụ vận tải chưa cao, tính cạnh tranh thấp, chưa phát huy hiệu quả liên kết vùng.
ĐBSCL cũng chưa hình thành được các trung tâm logistics, cảng cạn quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng. Khả năng kết nối giữa đường thủy nội địa với đường bộ, đường biển còn có những nút thắt chưa được tháo gỡ, như tĩnh không thông thuyền một số cầu chưa đảm bảo theo cấp quy hoạch. Một số công trình đã được đầu tư nhưng chưa phát huy hết hiệu quả, như sân bay quốc tế Cần Thơ mới chỉ khai thác 28% công suất; dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố khi hoàn thành cũng mới chỉ đáp ứng cho tàu 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải ra vào. Cùng đó, ĐBSCL có rất ít cảng container chuyên dùng nên hơn 70% hàng hóa xuất khẩu của vùng đang phải chuyển đến các cảng ở miền Đông Nam bộ bằng đường bộ và đường thủy nội địa, vận tải ven biển.
. Để gỡ các nút thắt nêu trên, trong năm 2020 Bộ GTVT sẽ tập trung giải pháp và ưu tiên triển khai các dự án lớn nào?
+ Chúng tôi sẽ tổ chức nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở xác định, huy động nguồn lực triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tổng thể vùng nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng. Bộ cũng tập trung chỉ đạo hoàn thành các dự án đã được bố trí vốn trong giai đoạn 2016-2020: Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, nâng cấp các tuyến quốc lộ 57, quốc lộ 53, quốc lộ 30, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Trên cơ sở tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được giao, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng tiêu chí để có thể lựa chọn được những dự án thực sự cần thiết, giúp tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn của vùng để trình Quốc hội, Chính phủ chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện. Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đề xuất Chính phủ, Quốc hội hoàn chỉnh thể chế chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để thu hút đầu tư đối với các dự án xây đường bộ cao tốc, hệ thống cảng biển, cảng cạn…
. Xin cám ơn Thứ trưởng.
65.000 tỉ đồng (chiếm 15,5% cả nước) là tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn 2011-2015, con số này là 67.552 tỉ đồng (chiếm 12,2% cả nước). |