Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ nhận định hiện trạng hạ tầng giao thông trở thành lực cản lớn nhất phát triển của ĐBSCL, tương tự như TP.HCM. Ông phân tích, hiên nay về mặt địa lý kinh tế thì TP.HCM thuộc Đông Nam Bộ (ĐNB), chứ không phải ĐBSCL, tuy nhiên hoạt động kinh thế thực thì lại gắn với ĐBSCL nhiều hơn. Cụ thể, hiện khu vực Đông Nam Bộ (trừ TP.HCM) đóng góp 9,8 %GDP cả nước, trong khi ĐBSCL góp 18%, gấp 1,8 lần Đông Nam Bộ. Ngoài ra quy mô dân số của ĐBSCL cũng gấp 3 lần, diện tích gấp 1,9 lần so với ĐNB. Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng là nơi cung cấp phần lớn lao động cho TP.HCM.
“Vì vậy muốn giải quyết bài toán giao thông cho ĐBSCL mà không đưa TP.HCM vào làm đầu mối giao thông của quy hoạch thì không có đầy đủ ý nghĩa. Hơn nữa kinh tế của TP.HCM vừa thuộc ĐNB vừa thuộc ĐBSCL, nếu để ra ngoài thì quy hoạch sẽ rất vướng” – Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh. Theo đó ông đề nghị cần đầu tư mạnh phát triển giao thông cho TP.HCM, ĐNB, ĐBSCL tương xứng với GDP khu vực này đóng góp cả nước.
“15 năm qua chúng ta đầu tư cho hạ tầng giao thông ĐBSCL và TP.HCM chậm hơn so với cả nước. Vì vậy đề nghị 10 năm tới phải đầu tư tăng tốc, bù lại thời gian trước thì mới khắc phục được tụt hậu, đảm bảo đóng góp của khu vực này vào sự phát triển của cả nước” - ông nói và cho hay nên nâng tỉ lệ đầu tư giao thông của cả vùng từ 20-25% lên khoảng 30-35% (Trong đó, ĐBSCL từ 15-20%, còn cả vùng từ 30-35%). Về nguồn vốn để đầu tư Bí thư Thành uỷ đề nghị trích 20% từ tiền ngân sách hàng năm TP.HCM nộp về Trung ương để đầu tư cho hạ tầng giao thông của TP.HCM và ĐBSCL trong 5-10 năm nữa.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành uỷ TP.HCM cũng đề nghị 6 nội dung khác gồm: Thu hút xã hội hoá đầu tư cho giao thông ngoài cải tiến hình thức BOT, thì phát hành trái phiếu chính phủ, chỉ lấy nguồn trong nước tập trung cho giao thông, bằng khoảng 2% GDP sẽ không đảm bảo không vượt trần nợ công; Tập trung làm 9 công trình cho ĐBSCL theo công thức 2-3-4. Trong đó 2 vành đai 3,4 của TP.HCM, 3 trục giao thông dọc ĐBSCL (cao tốc TP.HCM- Cần Thơ- Cà Mau, QL 60, đường 2 N2), 4 trục đường ngang (gồm các quốc lộ 62, 30, 91 và 80); Sớm công bố chuẩn xỉ làm vật liệu xây dựng, để sử dụng xỉ nhiệt điệt ở ĐBSCL làm nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ; Chấn chỉnh hiện tượng khai thác cát; Giảm tiến tới chấm dứt hiện tượng khai thác nước ngầm.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay Bộ GTVT đã tập trung hoàn thành một số công trình dự án đang triển khai trên địa bàn ĐBSCL. Điển hình, đã kết thúc khánh thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường kết nối trung tâm ĐBSCL. Một số dự án đang triển khai, khẩn trương hoàn thành để đưa vào khai thác sử dụng. “Vừa qua, đã bố trí được 10.600 tỉ đồng để triển khai một số công trình mới như quốc lộ 30, quốc lộ 57, tuyến Quản Lộ- Phụng Hiệp, quốc lộ 53,… để chuẩn bị tạo các điều kiện cho GTVT khu vực này được tốt hơn.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được thông xe vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, với những kết quả trong hai năm vừa qua thì chúng tôi còn cảm thấy chưa hài lòng vì GTVT của khu vực này hiện nay đang là một điểm nghẽn rất lớn cho khu vực ĐBSCL kết nối với TP.HCM” – ông Thể nói.
Theo ông Thể, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án phát triển các hàng lang đường thuỷ và logistics khu vực phía Nam bằng nguồn vốn vay của WB. Dự kiến dự án này sẽ khởi công năm 2020 và hoàn thành năm 2025.
Về lĩnh vực hàng không, ông Thể cho hay, Bộ GTVT xúc tiến nghiên cứu nâng công suất cảng hàng không quốc tế Phú Quốc lên gấp 2 để đáp ứng nhu cầu hàng khách ngày càng tăng cao; Phối hợp với TP Cần Thơ làm việc với các hãng hàng không nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để khuyến khích các hãng hàng không mở thêm nhiều đường bay mới kết nối Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ với các thành phố trong nước và quốc tế.
Về dự án đường sắt, kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt kết nối từ TP.HCM đến Cần Thơ phù hợp với định hướng chiến lược , quy hoạch phát triển ngành đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt,…
Ông Thể cũng nêu một số kiến nghị cần có chính sách đặc biệt để khuyến khích, huy động các nguồn vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông; Đề nghị bố trí khoảng 20% tổng vốn đầu tư của nhà nước để phát triển hạ tầng giao thông tại ĐBSCL ...