Sáng nay 29-6, đông đảo học giả, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia hội thảo “Hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ: Vấn đề và giải pháp phát triển” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Trọng tâm chính của hội thảo là tập trung vào các định hướng quan trọng, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ông Jim Bradley, chuyên gia giao thông đến từ Anh quốc, nhận định tình trạng tắc nghẽn giao thông diễn ra thường xuyên trên các tuyến đường nối từ TP.HCM về các tỉnh ĐBSCL là yếu tố kìm hãm sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của toàn vùng.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM trước thềm hội thảo diễn ra, ông Jim Bradley cho rằng một trong những nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Hiện chỉ có tuyến quốc lộ (QL) 1A và QL 22 nối trực tiếp từ TP.HCM với các tỉnh phía Nam TP. Sức chứa của các tuyến đường này không thể đáp ứng được khối lượng phương tiện di chuyển. Thứ hai, phương tiện di chuyển chủ yếu là các xe tải nhỏ, ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả vận tải hàng hóa. Cuối cùng là vấn đề nguồn vốn và đầu tư, ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thu hút được nguồn đầu tư khả thi nào, ngay cả đầu tư đối tác công tư (PPP) cũng gặp nhiều khó khăn.
Sau nghỉ lễ 30-4 và 1-5, người dân các tỉnh miền Tây ồ ạt trở lại TP.HCM khiến tuyến QL 60 và cầu Rạch Miễu (Bến Tre) kẹt xe nghiêm trọng. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Về giải pháp, ông Jim Bradley cho rằng ưu tiên hàng đầu trong chiến lược quản lý tình trạng tắc nghẽn là phải thực hiện các biện pháp quản lý nhu cầu giao thông đối với không gian đường bộ. Ngoài ra, cũng có thể cải thiện hiệu quả mạng lưới đường bộ bằng cách ưu tiên hoạt động vận tải công suất lớn.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia quy hoạch đô thị, Giám đốc điều hành enCity (Singapore), cho rằng với nguồn lực hạn chế nên tập trung phát triển giao thông khu vực lõi của đồng bằng. “Đó là những nơi có nền đất cao, đã có nền tảng hạ tầng tốt và đã là nơi tập trung đô thị chính của hầu hết các tỉnh giống như mô hình vùng đô thị Ranstad của Hà Lan” - ông Dũng giải thích.
Ông Nguyễn Văn Được, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Long An, thì quan tâm đến quy hoạch “tuyến đường động lực” từ TP.HCM đi các tỉnh Long An, Tiền Giang. Cụ thể, tuyến đường kết nối từ đường Phạm Hùng
(TP.HCM) đi qua tỉnh Long An đến ngã ba Trung Lương (Tiền Giang) với tổng chiều dài toàn tuyến gần 60 km, quy hoạch, quy mô mặt cắt ngang toàn tuyến rộng 40 m sẽ tạo nên một trục động lực quan trọng. Bởi lẽ tuyến đường này có thể làm giảm áp lực giao thông đáng kể trên các tuyến QL 1, QL 50. Đồng thời, việc đầu tư tuyến đường sẽ hình thành quỹ đất rất lớn để phát triển công nghiệp - đô thị dọc theo tuyến.
“Tỉnh Long An kiến nghị trung ương cho chủ trương để tỉnh làm chủ đầu tư theo hình thức PPP. Đồng thời, Long An sẽ lập quy hoạch xây dựng khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến thuộc địa bàn tỉnh Long An để kêu gọi đầu tư” - ông Được nói.
Khai thông giao thông thủy Ông Bùi Đào Thái Trường, nhóm tư vấn chiến lược Roland Berger, đơn vị xây dựng tầm nhìn chiến lược phát triển cho tỉnh Bến Tre, cho rằng hiện nay hạ tầng vận tải sông-biển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Do đó, về cơ sở hạ tầng, nên tập trung mở rộng sức chứa của cảng biển cho hoạt động vận tải ven biển. Ngoài ra, phải tăng cường tích hợp liên phương thức, trong đó bao gồm đường bộ, đường sắt và kết nối các tuyến vận tải. |