Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Tài chính TP đề xuất điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2020.
Theo đó, Sở GTVT đã tổng dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt để đảm bảo hoạt động ổn định và nâng cao chất lượng, thu hút khách sử dụng phương tiện công cộng trong năm 2020 là hơn 1.300 tỉ đồng, tăng hơn 161 tỉ đồng so với dự toán được giao trong năm 2020.
Theo Sở GTVT, lý do sở đề xuất điều chỉnh tăng, giảm là do cập nhật lại thông số hoạt động theo thực tế trên từng tuyến với tổng cự ly hành trình tăng (phát sinh tăng hơn 29 tỉ đồng, số liệu của Sở Tài chính thẩm định trên cơ sở tính toán bình quân toàn hệ thống); chi phí chênh lệch nhiên liệu do giá nhiên liệu thay đổi (giảm hơn 78 tỉ đồng).
Theo Sở GTVT, nếu không được tăng trợ giá thì hệ thống xe buýt chỉ hoạt động được đến khoảng giữa tháng 11-2020 hoặc phải giảm xuống còn 85%. Ảnh: ĐÀO TRANG
Ngoài ra, sản lượng dự kiến đặt hàng, đấu thầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 32,67 hành khách/chuyến, thay vì 44,5 hành khách/chuyến như dự kiến khiến tổng doanh thu giảm hơn 271 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển đưa rước học sinh, sinh viên, cập nhật phần dự phòng phí đều giảm so với dự toán dự phòng phí được Sở Tài chính thẩm định.
Đồng thời còn có chi phí hỗ trợ các đơn vị vận tải không đảm bảo sản lượng và doanh thu trong giai đoạn thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19…
Từ đó, Sở GTVT nêu kiến nghị nếu dự toán chi ngân sách nhà nước lĩnh vực trợ giá xe buýt năm 2020 vẫn giữ nguyên là 1.150 tỉ đồng thì hệ thống xe buýt chỉ hoạt động được đến khoảng giữa tháng 11-2020, hoặc cần phải giảm xuống còn 85% số chuyến theo kế hoạch từ ngày 1-7 đến 31-12.
Việc phải ngưng một số tuyến trong giai đoạn nhu cầu đi lại của hành khách đang dần ổn định lại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đi lại của người đi, bởi thời gian chờ xe buýt sẽ lâu hơn hoặc sẽ phải chuyển nhiều tuyến.
Sở GTVT đánh giá việc ngưng hoạt động hoặc giảm số chuyến sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ tính liên thông và mạng lưới tuyến. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, cũng như tác động đến hoạt động của các tuyến xe buýt còn lại.
Do vậy, Sở GTVT kiến nghị Sở Tài chính xem xét, thẩm định thống nhất dự toán chi ngân sách nhà nước lĩnh vực trợ giá xe buýt năm 2020 là 1.311 tỉ đồng, qua đó báo cáo TP xem xét, bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước lĩnh vực trợ giá xe buýt năm 2020 tăng thêm 161 tỉ đồng.
Trong các năm qua, UBND TP đã cấp ngân sách khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm để trợ giá cho hoạt động xe buýt nhằm thu hút người dân sử dụng, giảm xe cá nhân. Tuy nhiên, năm nay nguồn ngân sách này có sự biến động khá lớn.
Cần tính toán kỹ lưỡng PGS-TS Phạm Xuân Mai, ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng Sở GTVT cần nêu ra các lý do cụ thể về đề xuất tăng trợ giá xe buýt. Bởi trong thời gian dịch COVID-19, toàn bộ xe buýt ngưng hoạt động thì nhân viên, tài xế là người cần hỗ trợ lương thay vì tăng trợ giá xe buýt. TS Mai cũng cho rằng Sở GTVT phải có sự tính toán rõ ràng. Việc Sở GTVT cho rằng nếu không phê duyệt dự toán tăng trợ giá xe buýt sẽ phải ngưng hoạt động hoặc giảm số chuyến xuống là chưa đúng, bởi hằng năm TP đã tính toán đúng và đủ dự toán trợ giá xe buýt. Do vậy, không thể lấy ngân sách bù lỗ hoặc các chi phí chênh lệch khác được. |