Grab: Nhiều quy định sửa đổi Nghị định 86 chưa hợp lý

Công ty TNHH Grab vừa có văn bản gửi Bộ GTVT góp ý đối với dự thảo thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Theo đó, Grab cho rằng Khoản 2, Điều 3 đưa vào khái niệm “trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” hoặc “quyết định giá cước vận tải”, sẽ được coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô dễ dẫn tới cách hiểu khác nhau trong quá trình thực thi, bất bình đẳng trong áp dụng quy định pháp luật.

Nghị định thay thế Nghị định 86 đã nhiều lần được trình Chính phủ nhưng bị trả về.

“Việc chỉ đưa hai công đoạn nêu trên vào mà bỏ qua những công đoạn cốt lõi khác như sử dụng và quản lý xe ô tô, thuê và quản lý người lái xe, điều khiển phương tiện… là không hợp lý”, Grab nhấn mạnh.

Ngoài yêu cầu quy định rõ khái niệm, Grab đề xuất bổ sung các công đoạn cốt lõi, đặc trưng của hoạt động kinh doanh vận tải vào khái niệm “kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.

Trong bản góp ý này, một lần nữa Grab khẳng định việc áp dụng quy định gắn hộp đèn trên nóc xe taxi kết nối với hành khách qua ứng dụng và xe sử dụng hợp đồng điện tử như dự thảo là không cần thiết.

“Bởi nếu để các cơ quan chức năng nhận diện thì hiện nay đã có niêm yết phù hiệu “XE TAXI” hoặc “XE HỢP ĐỒNG” ở kính trước theo quy định. Còn khách hàng, thông qua ứng dụng họ đã nhận biết thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc… Các xe này cũng không đón khách vãng lai trên đường nên cần bỏ quy định này”, Grab ý kiến.

Đối với quy định về hợp đồng vận chuyển (Điều 15), Grab cho rằng dự thảo không ghi hợp đồng vận chuyển được quy định áp dụng cho loại hình kinh doanh vận tải nào (taxi, buýt…) nên dễ gây hiểu nhầm.

Grab cũng cho rằng quy định điều 16 về việc thực hiện hợp đồng điện tử không hợp lý vì chồng chéo với các quy định pháp luật hiện hành.

“Vì vậy chúng tôi đề xuất bãi bỏ toàn bộ nội dung Điều 15, Điều 16. Nếu cần thiết phải quy định về nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển để làm cơ sở bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì chỉ nên quy định và áp dụng đối với loại hình kinh doanh bắt buộc phải có hợp đồng bằng văn bản. Nội dung tối thiểu của hợp đồng chỉ bao gồm các thông tin cần thiết nhất, để hạn chế can thiệp vào hoạt động kinh doanh và quyền tự do thỏa thuận, giao kết hợp đồng của người dân và doanh nghiệp…”, đại diện Grab nhấn mạnh.

Ngoài ra, Grab đề nghị Bộ GTVT quy định rõ các điều kiện kinh doanh phù hợp với các công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải tương ứng. Vì quy định tại Điều 13 và Khoản 2 Điều 3 đang “đá nhau”.

“Việc này dẫn đến khả năng một đơn vị dù chỉ thực hiện một công đoạn của hoạt động kinh doanh vận tải nhưng vẫn phải xin phép kinh doanh và tuân thủ toàn bộ các điều kiện kinh doanh vận tải. Như vậy không hợp lý và không có cơ sở pháp lý…”, Grab khẳng định.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ gửi phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về hai phương án (phương án 1 coi xe công nghệ là xe hợp đồng, phương án 2 coi xe công nghệ là taxi). Trong số 26 thành viên có ý kiến, có tám thành viên chọn phương án xe công nghệ là taxi, 15 thành viên chọn phương án là xe hợp đồng, ba thành viên không chọn phương án nào.  Như vậy, đa phần thành viên Chính phủ chọn loại hình Grab là xe hợp đồng.

                               Đề xuất sử dụng đèn LED

Trước đó, Grab có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất cách tiếp cận chính sách đối với dịch vụ đặt xe qua ứng dụng trực tuyến. Theo đó, Grab đề xuất nếu cần phải có sự phân biệt trong quy định giữa phương tiện taxi được kết nối qua ứng dụng trực tuyến và taxi truyền thống thì có thể yêu cầu lắp đặt bảng đèn LED gắn trong xe, ngay phía sau kính chắn gió. Các bảng đèn LED này phải được bật khi xe đang kinh doanh và có thể tắt đi khi xe không phục vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm