Kỳ vọng dự án nút giao An Phú, TP Thủ Đức

Dự án xây dựng nút giao An Phú (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã được UBND TP.HCM giao nhiệm vụ cho Sở GTVT tổ chức, thực hiện chuẩn bị đầu tư. Theo đó, Sở GTVT đã đưa nút giao này vào danh mục các dự án trọng điểm, cần chú trọng triển khai trong giai đoạn 2021-2025.

Khu vực sẽ xây dựng nút giao An Phú tới đây. Ảnh: ĐÀO TRANG

Cần cấp bách đầu tư

Theo ghi nhận của PV, nút giao thông An Phú được coi là điểm nóng về giao thông ở TP Thủ Đức bởi lưu lượng phương tiện di chuyển rất lớn. Vào giờ cao điểm sáng và tối, đặc biệt là những ngày cuối tuần, các phương tiện xếp hàng đến cả cây số để di chuyển qua khu vực này.

Chị Lý Thị Thu Phương (TP Thủ Đức) chia sẻ có nhiều lần xe của người tham gia giao thông bị hư ở khu vực nút giao này. Lúc đó, các tuyến đường trong khu vực như Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Mai Chí Thọ… đều bị kẹt cứng, thậm chí kẹt đến 4, 5 giờ đồng hồ.

“Nút giao thông An Phú mà được xây dựng là tin vui đối với người dân ở đây, chúng tôi rất kỳ vọng vào dự án này. Bởi nhiều năm nay, người dân đi lại trong thấp thỏm, bất an khi có quá nhiều xe container, xe tải qua lại khu vực này” - chị Phương bày tỏ.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện nay đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã quá tải. Song đường vành đai 2 chưa được đầu tư hoàn thiện nên toàn bộ các phương tiện thường tập trung về nút giao này dẫn đến mức độ an toàn giao thông qua nút rất thấp, năng lực thông hành giảm đáng kể.

Vì vậy, việc nghiên cứu tách riêng các luồng xe có lượng giao thông cao nhằm đảm bảo khả năng thông hành và an toàn giao thông qua nút giao này là rất cần thiết, cấp bách.

Theo ông Bằng, trong tương lai gần, khi sân bay Long Thành được xây dựng và đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ ngày càng gia tăng. Theo đó, việc đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú sẽ góp phần tăng cường kết nối giao thông giữa đường cao tốc TP.HCM- Long Thành - Dầu Giây, nâng cao hiệu quả khai thác sân bay Long Thành.

“Từ đó, góp phần hoàn thiện kết nối TP.HCM với các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam đang được Bộ GTVT triển khai đầu tư như: Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (giai đoạn 2), cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo…” - ông Bằng chia sẻ.

Tổng diện tích dự án lên đến 29 ha

Ông Bằng cho biết dự án nút giao An Phú sẽ được đầu tư xây dựng theo dạng nút giao thông khác mức hoàn chỉnh ba tầng.

Các cầu vượt, hầm chui được bố trí để giải quyết nhu cầu giao thông cho các luồng giao thông chính qua nút giao này. Đó là các cầu vượt kết nối từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (cả hai phía hầm vượt sông Sài Gòn và phía xa lộ Hà Nội); kết nối đường Lương Định Của với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Tại khu vực nút giao đường Mai Chí Thọ và đường Đồng Văn Cống sẽ xây dựng cầu vượt - hầm chui đảm bảo kết nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) với đường Đồng Văn Cống. Tổng diện tích đất sử dụng cho toàn dự án là 29 ha.

Ông Bằng cho biết nút giao An Phú là dự án quan trọng, được UBND TP và Sở GTVT đưa vào danh mục những dự án quan trọng cần đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, dự án này đã được xây dựng lộ trình thực hiện, hứa hẹn sẽ về đích đúng tiến độ. Cụ thể, năm 2021, HĐND TP thông qua chủ trương đầu tư công dự án; lập, thẩm định, phê duyệt dự án và lựa chọn tư vấn lập thiết kế công trình.

Năm 2022 sẽ tiến hành lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình; lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng; lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát và khởi công công trình.

Từ năm 2023 đến 2024 sẽ thi công hoàn thành công trình. Năm 2025 sẽ lập hồ sơ quyết toán công trình.

PGS-TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT, cho biết khu vực nút giao An Phú hiện nay đã quá tải, từ đó gây kẹt xe cục bộ. Chính vì vậy, TP và ngành giao thông cần ưu tiên đầu tư xây dựng dự án nút giao An Phú càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, khi TP làm quy hoạch dự án phải đặt trong quy hoạch tổng thể, đồng bộ với các khu vực phụ cận. Tránh tình trạng làm xong dự án nhưng kẹt xe thì vẫn cứ kẹt, gây lãng phí ngân sách.

“Khi nút giao thông An Phú được đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh thì sẽ tăng năng lực liên kết vùng, tạo hiệu quả kinh tế cho vùng nói chung, TP.HCM nói riêng” - TS Hùng đánh giá.

 

Hơn 3.900 tỉ đồng thực hiện dự án

Dự án xây dựng nút giao An Phú có tổng mức đầu tư dự kiến 3.926 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách TP. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách trung ương là 1.800 tỉ đồng và Thủ tướng Chính phủ dự kiến phê duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025; nguồn vốn từ ngân sách TP là 2.126 tỉ đồng.

Dự kiến thời gian sử dụng nguồn vốn như sau: Năm 2021 ước tính sử dụng 20 tỉ đồng; năm 2022 là 1.000 tỉ đồng; năm 2023 là 1.000 tỉ đồng; năm 2024 sử dụng 1.000 tỉ đồng; năm 2025 sử dụng 906 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm