Bà Hải Vân trở thành một trong ba nữ CEO của Grab ở khu vực Đông Nam Á, được giao trọng trách lãnh đạo và phát triển siêu ứng dụng tại một trong những thị trường quan trọng nhất khu vực Đông Nam Á.
Cindy Toh, người nâng cao tiêu chuẩn an toàn giao thông Myanmar
Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí điều hành vào năm 2019, bà Cindy Toh đã có gần hai năm ở vai trò giám đốc marketing tại Grab Philippines.
Bà Cindy Toh - Giám đốc điều hành Grab Myanmar.
Chỉ một thời gian ngắn ngủi sau khi nhậm chức, bà Cindy Toh ghi dấu ấn với các chương trình nâng cao tiêu chuẩn an toàn cho ngành giao thông, hướng đến cung cấp một nền tảng di chuyển ngày càng an toàn hơn cho mọi người. Một số tính năng an toàn đã được Grab Myanmar triển khai trong thời gian qua gồm tính năng gọi điện thoại không hiển thị số người gọi, phím S.O.S giúp đối tác tài xế kết nối trực tiếp với đường dây nóng của cảnh sát trong trường hợp khẩn cấp...
Tuy nhiên, điều tạo nên dấu ấn đặc biệt của bà Cindy Toh là đưa Grab trở thành thương hiệu “vì dân” tại Myanmar với các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm phòng, chống nạn buôn người, lớp đào tạo lái xe chuyên sâu hay tạo điều kiện giúp hàng ngàn người dân tại quốc gia này mở tài khoản ngân hàng lần đầu tiên. Nhờ đó, thương hiệu này góp phần thay đổi cơ bản cuộc sống người dân đồng thời đạt được mức tăng trưởng ấn tượng với số lượt đặt xe trung bình hằng ngày tăng khoảng 30%.
Neneng Goenadi: Người nâng cao vị thế Grab tại Indonesia
Tính đến tháng 5-2019, Grab phủ sóng tại 222 thành phố khắp Indonesia. Vì vậy, khi trở thành giám đốc điều hành vào tháng 2-2019, bà Neneng Goenadi, một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh, cựu giám đốc điều hành của Accenture Indonesia được kỳ vọng sẽ là người giúp giữ vững vị thế số 1 của Grab tại đây. Với khoản đầu tư 2 tỉ USD mà SoftBank cam kết rót vào Indonesia trong vòng năm năm tới thông qua Grab, có thể thấy Grab đã trao một nguồn lực cũng như quyền hạn rất lớn cho vị nữ CEO này trong mục tiêu chiếm trọn thị trường hơn 250 triệu dân.
Neneng Goenadi - Giám đốc điều hành Grab Indonesia.
Tính đến năm 2019, Grab vẫn đang vững vàng ở vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực gọi xe tại Indonesia với 64% thị phần theo một nghiên cứu của ABI Research. Công ty này cũng công bố đang chiếm 50% thị phần mảng giao đồ ăn tại “xứ sở vạn đảo”.
Nguyễn Thái Hải Vân, người đưa Grab Việt Nam hướng đến phát triển bền vững
Mới đây, động thái bổ nhiệm nữ giám đốc điều hành của Grab Việt Nam đã thu hút khá nhiều sự chú ý. Bà Hải Vân có kinh nghiệm dày dạn trong việc hoạch định chiến lược thương mại và điều phối hoạt động kinh doanh tiếp thị của hàng loạt ngành hàng của Unilever khu vực Đông Nam Á trong hơn 17 năm.
Nguyễn Thái Hải Vân, CEO mới của Grab Việt Nam.
Chia sẻ khi nhậm chức, bà Hải Vân khẳng định Grab tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung vào ba chiến lược chính. Thứ nhất, phát triển hệ sinh thái siêu ứng dụng đa dịch vụ của Grab để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Thứ hai, mở rộng hoạt động tới nhiều tỉnh, thành trên cả nước để góp phần đưa công nghệ và số hóa đến với đại đa số người dân. Thứ ba, đẩy mạnh chương trình “Grab - Vì cộng đồng”.
Ba chiến lược này là một lời khẳng định rõ ràng cho tham vọng duy trì vị trí dẫn đầu của Grab dưới thời vị nữ CEO mới. Với các lợi thế có được sau sáu năm cùng cam kết đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam, Grab đang có đủ năng lực công nghệ, tiềm lực tài chính cùng một đội ngũ nhân sự “thuần Việt” để mở rộng hệ sinh thái và tăng cường ảnh hưởng của mình trong các lĩnh vực như công nghệ tài chính, công nghệ di động, logistics… từ đó đóng góp cho cộng đồng.
Mặc dù còn khá sớm để khẳng định về bước đi dài hạn của Grab Việt Nam dưới thời vị nữ CEO mới nhưng chắc chắn đơn vị này đang đặt rất nhiều kỳ vọng cho bà Nguyễn Thái Hải Vân không chỉ ở vai trò kinh doanh mà còn trong sứ mệnh phát triển vì cộng đồng của Grab.