Người dân đã thực sự biết phân loại rác chưa?

Ông Nguyễn Trung Sơn, Chủ tịch UBND phường 4, quận Tân Bình (TP.HCM), cho rằng sau một năm thực hiện Chỉ thị số 19 CT/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch. Vì thành phố sạch và giảm ngập nước” thì đến nay người dân vẫn còn tình trạng xả rác ra môi trường. Trong khi đó, chính quyền đã ra sức tuyên truyền bằng video, hình ảnh, panô để gần gũi hơn với người dân nhưng trên thực tế vẫn còn người dân thiếu ý thức.

Nhiều người dân xuống đường cùng dọn dẹp rác. Ảnh: ĐÀO TRANG

Ông Sơn khẳng định không thể yêu cầu người dân ngưng xả rác trong một sớm, một chiều song cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ. Bên cạnh đó, UBND phường cũng xử lý nhiều trường hợp vi phạm như xả rác bừa bãi, tiểu bậy, dắt chó đi xả bậy… nhưng vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm.

Ông Nguyễn Nghiêm Quang, người dân phường 4, cho biết: “Hiện nay phân loại rác còn nhiều khó khăn bởi thế nào là rác vô cơ, hữu cơ nhiều người còn chưa hiểu hết. Chính vì vậy, nhiều người cứ bỏ lẫn lộn vào một thùng. Hiện nay, chúng tôi chỉ học cách để phân loại bởi đơn vị thu gom cũng chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa có xe thu gom chuyên dụng nên có phân loại thì cũng dồn chung một mối. Thiết nghĩ chính quyền, người dân phải làm đồng bộ thì mới mang lại hiệu quả thiết thực được".

Gắn nhiều biển báo xử phạt. Ảnh: ĐÀO TRANG

Qua thời gian triển khai thực hiện, ông Sơn đánh giá phường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử tại đảo tròn vòng xoay Đệ Nhất vốn là nơi tụ tập buôn bán hàng rong, tụ điểm vui chơi cho nhiều bạn trẻ… nên đây cũng là nơi xả rác bừa bãi trên địa bàn phường.

Trước thực trạng đó, phường đã trang bị máy tập thể dục, gắn nhiều biển cảnh báo xử phạt hành chính, lắp đặt thêm thùng rác để tiện cho người dân. Từ đó, đảo tròn Đệ Nhất trở thành nơi vui chơi giải trí cho người dân. Thời gian tới, phường sẽ tiếp tục lắp đặt thêm nhiều thùng rác, cảnh báo xử phạt tại những điểm thường xuyên xả rác.

Biển cấm xả rác. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đại diện UBND quận Tân Bình cho biết mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 8.300-8.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt (thống kê năm 2017), khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng 5%-6%/năm. Ngân sách TP chi cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt ngày càng cao; phần lớn chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. 

Từ một công viên bị xả rác bừa bãi nay đã sạch sẽ hơn. Ảnh: ĐÀO TRANG

Hoạt động tuyên truyền phân loại rác và ngưng xả rác ra kênh rạch của UBND phường 4 đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân. Tại cuộc vận động, nhiều người dân đã xuống đường nhặt rác với hy vọng lan tỏa thông điệp này. 

Theo ghi nhận của PV, UBND phường 4 là một trong những địa phương tích cực trong triển khai chương trình phân loại rác và tích cực vận động người dân ngưng xả rác ra môi trường bằng nhiều hình thức. Cụ thể, tại đường Lê Bình thường xuyên xảy ra tình trạng xả rác, tiểu bậy, vẽ bậy, phường đã mở một con đường bán hàng rong dành cho người dân có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện làm việc. Việc mở đường bán hàng rong này đã dẹp hẳn tình trạng xả rác ra đường, giữ gìn vệ sinh môi trường và tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người thu nhập thấp.

Lễ ký kết giữa UBND phường với người dân để cam kết không xả rác ra môi trường. Ảnh: ĐÀO TRANG

"Thời gian tới, phường 4 sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều điểm bán hàng rong để hỗ trợ người dân nghèo được buôn bán. Đồng thời, từ đó những hộ dân này sẽ cùng với phường xóa thêm nhiều điểm đen về rác" - ông Sơn cho biết.

TP.HCM đã đặt mục tiêu năm 2020 tỉ lệ các đối tượng thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đúng quy định đạt tối thiểu 50%; tăng dần vào các năm tiếp theo, đạt 80% năm 2025. Tỉ lệ chất lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%; đến năm 2025 giảm lượng rác được xử lý bằng cách chôn lấp xuống 20%, tăng cường ứng dụng công nghệ đốt, tái chế rác. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm