Trong cuộc họp trực tuyến tới cấp huyện sáng nay, 26-6, khi mùa mưa bão đang đến gần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: "Miền Nam Trung Quốc đang có một đợt mưa lũ lớn. Theo quy luật thì sau 1-2 tháng, Việt Nam sẽ có mưa to. Hiện Cao Bằng, Hà Giang đang có đám mây rất lớn, nguy cơ rất cao có mưa to dẫn đến lũ quét, lũ ống trong một, hai ngày tới".
Số liệu từ cơ quan chức năng cho thấy thiên tai năm 2019 giảm hơn năm 2018. Nhưng tình trạng biến đổi khí hậu bất thường như hiện nay thì rất khó lường trước được những điều gì sẽ xảy ra. Đặc biệt, với 21 tỉnh, thành phố có đê, đã khá lâu rồi chưa chứng kiến lũ lớn, nhưng sạt lở vẫn diễn ra ở nhiều nơi.
Theo quy luật, sau hạn hán kỷ lục thường có nguy cơ cao xảy ra mưa đặc biệt lớn gây ngập lụt, lũ quét, mất an toàn cho hệ thống đê điều trên diện rộng. Do đó cần sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai bất thường, cực đoan.
"Hiện có hai nguy cơ rất lớn đối với hệ thống đê điều nước ta. Đó là vi phạm đê điều ngày càng gia tăng và lâu rồi không có một trận lũ lớn, dẫn đến một số địa phương chủ quan" - ông Hiệp nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết hiện vi phạm đê điều ở nước ta ngày càng gia tăng. Ảnh: AH
Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết cả nước có 9.078 km đê, trong đó có hơn 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.
Trong số này, kết quả đánh giá hiện trạng cho thấy 399 km cấp III tới đặc biệt có cao trình chưa đảm bảo; 683 km đê mặt cắt còn nhỏ; 160 km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 459 cống cũ, hư hỏng...
Với tình trạng này, nếu Hà Nội xảy ra các trận mưa cực đoan như năm 2008, hay miền Trung xuất hiện mưa lũ lịch sử như năm 2017, và cùng lúc các hồ chứa thượng nguồn đã hết dung tích phòng lũ, thì khả năng hạ du sẽ xảy ra lũ lớn, uy hiếp an toàn đê điều.
Cũng trong cuộc họp, Tổng cục Phòng chống thiên tai cảnh báo tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép bãi sông để xây nhà ở, nhà xưởng, công trình; xe quá tải lưu thông gây hư hỏng mặt đê... Tính ra, từ năm 2011 đến nay, cả nước đã xảy ra 10.068 vụ vi phạm đê điều, nhưng mới giải quyết được hơn 3.000 vụ, vẫn còn hơn 7.000 vụ tồn đọng.
Đây là những cảnh báo để Chủ tịch các quận, huyện có đê từ cấp III trở lên trong toàn quốc dự họp trực tuyến phải có giải pháp chấn chỉnh trong thời gian tới.