Chiều tối 25-4, Thủ tướng Chính phủ có công điện hỏa tốc gửi các địa phương, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai (Ban chỉ đạo), các cơ quan báo chí yêu cầu tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, giông lốc, sét, mưa đá.
Từ đầu năm đến nay, giông lốc, sét, mưa đá, mưa lớn xảy ra nhiều đợt trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ làm tám người chết, hơn 40.000 nhà và 30.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại.
Mưa đá gây thiệt hại cho nhiều nhà dân tại xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: Laichau.gov.vn
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến ngày 27-4, khu vực miền núi phía Bắc và Trung bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trên 120 mm/24h. Nguy cơ cao xảy ra lốc sét và mưa đá trên diện rộng, nhất là tại các địa phương vừa bị thiệt hại.
Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai. Từ đó chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố huy động lực lượng, hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả của giông, lốc, mưa đá vừa xảy ra để người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời lưu ý đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều hoa màu của người dân. Ảnh: Laichau.gov.vn
Trường hợp vượt quá khả năng của địa phương thì tổng hợp nhu cầu gửi về Ban chỉ đạo, báo cáo Thủ tướng xem xét.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thiên tai để tổ chức công tác ứng phó. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tuyến thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, giông, lốc, sét, mưa đá.
Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện.
Trong ngày 25-4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã dẫn đầu đoàn công tác của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai đi kiểm tra chất lượng và tình hình phát triển hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Những năm gần đây, do tác động của bão và nhiều đợt mưa lũ, đặc biệt là các trận lũ vào tháng 10-2017 và tháng 8-2018 khiến nhiều tuyến đê bị hư hỏng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Hiện nay, tồn tại nhiều trọng điểm xung yếu trên cả đê tả và hữu sông Chu đoạn qua địa bàn các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa; các trọng điểm xung yếu trên đê tả và hữu sông Mã qua địa bàn huyện Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn…
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, trận mưa, giông, lốc sét, mưa đá từ ngày 22 đến 24-4 đã khiến năm người chết. Cụ thể, tỉnh Lai Châu có hai người chết do mưa lớn làm sập nhà, bị lũ cuốn trôi; Hà Giang một người chết do cây đổ đè vào người; Sơn La một người chết do đá lăn vào nhà đổ tường; Yên Bái một người chết do sét đánh. Riêng tại Lai Châu đang có một người bị mất tích do bị lũ cuốn trôi. Ngoài ra còn có 37 người khác bị thương. |