Theo Sở TN&MT TP.HCM, tình hình ô nhiễm không khí ở TP.HCM có xu hướng giảm do giãn cách xã hội để ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Việc hạn chế đi lại của người dân làm cho mật độ giao thông giảm, làm giảm mức độ ô nhiễm không khí. Ảnh: NGUYỄN CHÂU
Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí trong quý I-2020 tại 30 vị trí quan trắc cho thấy: Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu vẫn do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra.
Trong đó, tại 19 vị trí giao thông số liệu bụi lơ lủng quan trắc được trong các tháng 1, 2, 3 vượt QCVN 05:2013/BTNMT lần lượt là 77,11%, 60,79%, 42,11% và số liệu mức ồn quan trắc được đều vượt trên 98%.
Trong quý I-2020, các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và giao thông đều giảm do ảnh hưởng của đợt nghỉ tết Nguyên đán và giãn cách xã hội để ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã có tác động đáng kể đến chất lượng không khí của TP.HCM.
Mức độ ô nhiễm môi trường không khí của ba tháng đầu năm 2020 đều có xu hướng giảm dần ở hầu hết các vị trí và thông số quan trắc, đặc biệt trong giai đoạn từ ngày 1-4 đến 7-4 các số liệu quan trắc được đều đạt quy chuẩn cho phép. Tần suất vượt chuẩn của bụi lơ lửng tại 19 vị trí giao thông trong ngày 7/4 chỉ là 7,4%.
So với tháng 1-2020, khi mật độ giao thông đông đúc trong giai đoạn trước tết Nguyên đán, nồng độ các chất ô nhiễm không khí trong tháng 3-2020 cũng giảm đáng kể. Cụ thể: bụi lơ lửng giảm 1,2 lần, PM10 giảm 1,36 lần, PM2.5 giảm 1,44 lần, CO giảm 1,2 lần, NO2 giảm 1,35 lần, SO2 giảm 1,1 lần.
Nhìn chung, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trong quý I-2020 có xu hướng giảm dần qua các tháng và giảm mạnh trong các ngày từ ngày 1-4 đến 7-4 khi Chỉ thị 16 của Chính phủ có hiệu lực. Tuy nhiên, số liệu quan trắc trong những ngày gần đây đang có xu hướng tăng nhẹ trở lại.
Nguyên nhân chính của việc giảm ô nhiễm chất lượng môi trường không khí trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; các hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp; hoạt động xây dựng các công trình đều giảm quy mô hoạt động.
Bên cạnh đó, việc hạn chế đi lại của người dân làm cho mật độ giao thông giảm, tình hình kẹt xe tại các nút giao thông không còn nhiều nên phần nào làm giảm mức độ ô nhiễm môi trường không khí tại TP.HCM trong quý I-2020.