Phá rừng và cái giá phải trả - Bài 1: Rừng ‘chảy máu’ khắp nơi

LTS: Những ngày qua, người dân miền Trung đang phải vật lộn với trận lũ kinh hoàng trong lịch sử. Trận lũ lụt này đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn, kể cả về người và tài sản. Câu chuyện lũ lụt luôn được cho là do thiên tai nhưng ngoài thiên tai thì nạn “chảy máu” rừng cũng chính là nguyên nhân góp phần gây ra những thảm họa này.

Tính đến ngày 25-10, mưa lũ, sạt lở đất tại miền Trung đã làm 130 người chết và 18 người mất tích. Trong đó, sạt lở đất làm chết 64 người, lũ lụt 64 người, tai nạn trên biển tám người và nguyên nhân khác 12 người. Và đến ngày 24-10, lực lượng chức năng mới chỉ tìm thấy 5/17 nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở núi ở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế). Đây là một trong những câu chuyện đau lòng nhất từ vụ sạt lở thủy điện cướp đi sinh mạng rất nhiều người.

Thủy điện nhỏ tàn phá rừng

Ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), cho biết tại khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có ba nhà máy thủy điện nằm trong vùng lõi, một nhà máy ở khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn. Việc làm thủy điện đã khiến khoảng 200 ha rừng bị mất. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến bảo tồn, đa dạng sinh học vì tiếng ồn của các nhà máy, dự án làm đứt gãy nhiều con đường di cư của động vật.

Riêng dự án Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, ngày 30-10-2008 được cấp phép xây dựng với công suất lắp máy 11 MW trên sông Rào Trăng (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) với vốn đầu tư 290,8 tỉ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha. Năm 2016, Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đối với dự án này. Trong lần điều chỉnh này, chủ đầu tư dự án được thay đổi từ Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn sang Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3. Tổng vốn đầu tư dự án được nâng lên gần 409 tỉ đồng. Dự án được thay đổi công suất lắp máy lên 13 MW, diện tích đất sử dụng theo đó nâng lên hơn 46,25 ha.

Sau hai đợt tiến hành thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (năm 2016 và  2019), UBND tỉnh đã thu hồi tổng cộng 46 ha. Trong đó, đất rừng sản xuất do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền quản lý là 44,4 ha. Đất sông ngòi, kênh rạch, suối là 1,7 ha. Như vậy, một thủy điện với công suất 13 MW đã khiến 44,4 ha diện tích đất rừng trong khu bảo tồn bị mất.

Tương tự, tại Bình Định, Sở Công Thương tỉnh thông tin theo quy hoạch của Bộ Công Thương, trên sông Kôn đoạn qua tỉnh Bình Định có đến 14 nhà máy thủy điện với tổng công suất hơn 312 MW. Trong đó có đến 11 nhà máy thủy điện nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã và đang triển khai.

Một lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết để xây dựng các công trình thủy điện trên đã có hàng trăm hecta rừng đầu nguồn bị xóa sổ, triệt hạ. Chẳng hạn, thủy điện Trà Xom làm mất hơn 633 ha rừng phòng hộ, các nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5 lấy đi hàng trăm hecta rừng nguyên sinh, thủy điện Vĩnh Sơn 2 làm mất hàng trăm hecta rừng ở khu vực giáp ranh hai tỉnh Bình Định, Gia Lai.

“Chỉ một đoạn qua huyện mà sông Kôn phải gánh quá nhiều thủy điện. Thủy điện chồng thủy điện, làm dòng chảy biến dạng, sạt lở nghiêm trọng. Việc xây dựng quá nhiều thủy điện khiến nhiều cánh rừng đầu nguồn bị xóa sổ, diện tích rừng phòng hộ ngày càng bị thu hẹp, đất sản xuất mất dần...” - vị lãnh đạo huyện chia sẻ.

Trước đây, huyện Vĩnh Thạnh đã kiến nghị dừng triển khai, loại bỏ khỏi quy hoạch một số dự án, nhà máy thủy điện có công suất nhỏ vì làm mất nhiều diện tích rừng, đất sản xuất. Cũng theo vị này, một vấn đề nóng khác là tình trạng lâm tặc lợi dụng các đường được mở từ các công trình thủy điện để đưa máy móc, phương tiện vào phá rừng, khiến việc quản lý, bảo vệ rừng hết sức khó khăn.

Trước đây, UBND huyện Vĩnh Thạnh từng đề nghị đình chỉ thi công đối với các công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5, Trà Xom, Định Bình mở rộng do vi phạm môi trường trong quá trình thi công, chưa thực hiện tái định canh, định cư cho người dân, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục xây dựng theo quy định…

Không chỉ vậy, còn nhớ vụ án làm rúng động tỉnh Quảng Nam vào những năm 2005 liên quan đến thủy điện. Lợi dụng được phép khai thác tận thu, tận dụng gỗ tại khu vực lòng hồ Nhà máy thủy điện Khe Diên, giám đốc một doanh nghiệp đã tổ chức khai thác gỗ trái phép ngoài khu vực tận thu thuộc vùng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Thu Bồn. Đáng nói là vụ án không chỉ liên quan đến doanh nghiệp, nhiều quan chức cấp huyện, đầu ngành của tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ dính vòng lao lý.

Tại Quảng Nam, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển mục đích hơn 545 ha rừng tự nhiên để thực hiện các dự án thủy điện, kinh doanh và công trình công cộng. Trong năm năm gần nhất, diện tích rừng tự nhiên được chuyển đổi để thực hiện các dự án thủy điện là 58,43 ha, chủ yếu vào năm 2016 (51 ha).

Còn ở Nghệ An, quá nhiều nhà máy thủy điện khiến người dân ở hạ nguồn lo sợ. Trong 10 năm qua, diện tích rừng ở Nghệ An không chỉ bị tàn phá mà còn bị giảm do có hơn 20 dự án thủy điện đã, đang và sắp thi công.

Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế), nơi xảy ra vụ sạt lở đất khiến 17 nạn nhân mất tích vào ngày 12-10. Ảnh: ND

Kiểm tra hiện trường một vụ phá rừng ở huyện An Lão, Bình Định. Ảnh: NL

Từ phá rừng lấy gỗ…

Những năm gần đây, nạn phá rừng cũng diễn ra liên tiếp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Vào tháng 6-2020, từ nguồn tin của người dân địa phương, chúng tôi đã tiếp cận hiện trường một vụ phá rừng có thể nói là nghiêm trọng trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai).

Ghi nhận của PV sau nhiều ngày men theo các đường nhỏ, vượt nhiều dốc đi hơn chục cây số đường rừng là một “đại công xưởng” với hàng trăm cây rừng bị đốn hạ, nằm ngổn ngang ở nhiều khu vực rừng. Nhiều cây lớn vài người ôm bị đốn hạ và cưa xẻ ngay tại rừng, nhiều cây lớn khác bị cưa gốc nằm trơ trọi. Cạnh đó là những bãi gỗ xẻ nằm chồng lên nhau mà lâm tặc chưa kịp chuyển đi. Đi vào sâu bên trong còn có cả khoảnh lớn rừng bị đốn hạ và cưa xẻ trong tình trạng tương tự.

Liên quan đến vụ phá rừng này, cơ quan chức năng xác định vị trí ở các tiểu khu 120, 122 nằm trên địa bàn xã Đắk Smar và xã Sơ Pai (huyện Kbang), thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lơ Ku quản lý. Qua kiểm tra, lực lượng chức trách xác định có 26 cây gỗ (bằng lăng, gội tía) tại các tiểu khu 120, 122 bị khai thác trái phép với tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 71 m3, 12 cây gỗ bằng lăng bị khai thác trái phép tại tiểu khu 122 (địa giới hành chính xã Đắk Smar, huyện Kbang, thuộc rừng phòng hộ) với tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 31 m3. Công an đã bắt giữ sáu người liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, vào tháng 11-2019, từ nguồn tin của người dân, chúng tôi đã tiếp cận và phản ánh vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại khu vực rừng đặc dụng Nam Kar (huyện Krông Ana, Đắk Lắk). Tại khu vực này có những gốc cây lớn, có cây hơn hai người ôm vừa được cưa xẻ, bên cạnh là nhiều phách gỗ có đường kính hơn 60-80 cm, dấu cưa còn rất mới. Tiếp tục đi, chúng tôi lại phát hiện nhiều cây cổ thụ có tuổi đời từ hàng chục đến hàng trăm năm bị cưa, nhiều súc gỗ lớn nằm chồng lên nhau. Đáng nói là có những tấm ván gỗ dày khoảng 30-40 cm được khéo léo lấp bởi bụi rậm và trên những con đường mòn có nhiều vết rất mới của dấu kéo gỗ…

Ngay sau khi chúng tôi phản ánh vụ việc, cơ quan chức năng đã tiến hành vào cuộc kiểm tra, khởi tố vụ án. Đến tháng 1-2020, cơ quan chức năng đã khởi tố sáu người liên quan trong vụ án để tiến hành điều tra. Theo kết quả điều tra, khoảng tháng 9 và tháng 10-2019, nhóm người này đã vào các tiểu khu 1023, 1024, 1025 của rừng đặc dụng Nam Kar (do Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Kar quản lý) cưa hạ hơn 40 m3 gỗ thuộc nhóm III đến nhóm VIII.

… đến phá rừng lấy đất sản xuất

Theo các báo cáo, đến hết năm 2010 toàn tỉnh Hà Tĩnh còn hơn 210.000 ha rừng tự nhiên, giảm hơn 4.800 ha so với năm 2006. Và 10 năm qua, diện tích rừng tự nhiên ở Hà Tĩnh tăng khoảng 7 ha. Tuy nhiên, đất lâm nghiệp giảm hơn 3.500 ha.

Theo số liệu từ cơ quan chức năng huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh), từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng kiểm lâm, công an và bảo vệ rừng đã phát hiện, xử lý hơn 92.000 m2 rừng tự nhiên bị chặt phá. Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Viết Lệ (trú huyện Hương Khê) về tội hủy hoại rừng. Lệ nhờ một số người chặt phá 25.190 m2 rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ tròn là 54,1 m3 để trồng cây keo.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng Hà Tĩnh là tỉnh ở miền Trung có độ dốc cao. Độ che phủ rừng của Hà Tĩnh đạt 52%, tỉnh hiện có 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó có 116 ha rừng phòng hộ, 74 ha rừng đặc dụng, 169 ha rừng sản xuất, rừng tự nhiên 217 ha. Theo ông Việt, diện tích rừng này đã tham mưu và được Bộ NN&PTNT phê duyệt quy hoạch ba rừng, mục tiêu đảm bảo vấn đề ngăn ngừa biến đổi khí hậu và ảnh hưởng thảm họa khác như thiên tai, bão lũ hằng năm. Đồng thời cũng có diện tích đất rừng để sản xuất phát triển kinh tế.

Tại Nghệ An, với diện tích rừng hơn 1.160.000 ha, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất nước nhưng thời gian gần đây đã xảy ra liên tiếp các vụ phá rừng tự nhiên. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hải Âu, Phó Phòng quản lý bảo vệ rừng - bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, cho biết từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 532 vụ phá rừng với diện tích bị thiệt hại gần 194 ha. Trong đó đã có 34 vụ được khởi tố. Diện tích rừng bị phá chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo đã giao cho người dân hoặc các tổ chức quản lý. 

Mới đây, vào tháng 9, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng đối với thông tin báo chí phản ánh về phá rừng tại tỉnh Phú Yên. Theo đó, Thủ tướng giao các bộ NN&PTNT, TN&MT kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Pháp Luật TP.HCM và nhiều tờ báo phản ánh gần đây tại Phú Yên liên tiếp xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng, phức tạp, gây thiệt hại lớn liên quan trực tiếp nhiều cán bộ, đảng viên ở địa phương. Cụ thể, trong tháng 7 và tháng 8-2020, nhiều người ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân đã chặt hạ, phát trắng cây rừng, lấn chiếm đất trái phép.

Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng xác định có 53,6 ha rừng bị phát dọn, lấn chiếm. Trong đó có gần 11,5 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Toàn bộ diện tích rừng này do UBND xã Phú Mỡ quản lý. Các khu rừng bị phá cách trụ sở UBND xã Phú Mỡ chỉ hơn 4 km. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định có 40 người tham gia phá rừng, trong đó có 13 cán bộ, đảng viên xã Phú Mỡ.

Đầu tháng 9, trong quá trình điều tra vụ phá rừng tại khu vực giáp ranh hai huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên phát hiện một khu rừng khác bị phá với quy mô lớn, hậu quả nghiêm trọng hơn tại xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa. Kết quả điều tra ban đầu xác định lâm tặc đã mở con đường vào rừng rộng 3 m, dài gần 1 km, đốn hạ hơn 200 cây gỗ lớn.

Phá rừng, tàng trữ lâm sản trái phép… vẫn là điểm nóng

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội mới đây cũng cho thấy vấn đề bảo vệ rừng vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ. Cháy rừng, mất rừng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Sự vào cuộc của chính quyền một số địa phương còn thiếu quyết liệt, nhất là tại một số vùng trọng điểm phá rừng như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung bộ.

Theo báo cáo năm 2019 về rừng đặc dụng và rừng phòng hộ Việt Nam 2017-2018 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), rừng Việt Nam được chia thành ba loại, gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất với chức năng quản lý khác nhau.

Tính đến tháng 12-2018, diện tích đất rừng có 14.491.295 ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm 10.255.525 ha và rừng trồng chiếm 4.235.770 ha. Diện tích đất rừng có đủ tiêu chuẩn để tính tỉ lệ che phủ toàn quốc là 13.785.642 ha, tỉ lệ che phủ là 41,62%, tăng 0,2% so với năm 2017.

Tây Nguyên trong thời gian này được xem là điểm nóng về mất rừng tự nhiên. Năm 2018, diện tích rừng tự nhiên ở Đắk Lắk giảm 3.472 ha, ở Đắk Nông giảm 3.811 ha và ở Gia Lai giảm đến 10.219 ha. Từ năm 2017 đến nay, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng được thực hiện chặt chẽ và cẩn trọng nhằm đảm bảo cân bằng mục tiêu phát triển kinh tế. 

Tàn phá thiên nhiên phải trả giá rất đắt

Phá rừng và cái giá phải trả - Bài 1: Rừng ‘chảy máu’ khắp nơi ảnh 3
 

Từ lâu, các nhà khoa học đã cảnh báo tàn phá thiên nhiên là cái giá phải trả rất đắt do con người gây ra.

Các công trình thủy điện vừa và nhỏ do chủ yếu nằm trên các lưu vực sông nhánh hoặc suối với diện tích lưu vực nhỏ, độ dốc lớn nên dung tích hồ chứa rất nhỏ. Do vậy hiệu quả cắt giảm lũ không đáng kể. Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đòi hỏi phải chuyển đổi mục đích sử dụng một số diện tích đất rừng nhất định (gồm đất thực tế có rừng và chưa có rừng). Bài toán quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững thiếu “nhạc trưởng” chỉ huy chung nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở của các ngành đã làm cho bài toán phòng tránh thiên tai ngày càng phức tạp.

Ngoài ra, công tác dự báo và cảnh báo chưa theo kịp diễn biến bất thường của thời tiết. Việc xây dựng các tuyến đường giao thông vuông góc dòng chảy, không đủ khẩu độ thoát nước, làm dao động lớn mực nước giữa các vùng. Thủy điện, nạn phá rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng không hợp lý đã góp phần không nhỏ vào biến cố thiên tai…

TS TÔ VĂN TRƯỜNG, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam

Độ che phủ rừng có tác động đến đợt lũ này

Phá rừng và cái giá phải trả - Bài 1: Rừng ‘chảy máu’ khắp nơi ảnh 4
 

Thật ra đến nay độ che phủ rừng ở miền Trung là rất cao. Bình quân che phủ rừng của miền Trung là trên 50%, cao hơn cả nước. Đấy là cái thứ nhất phải khẳng định như thế. Thứ hai, để đánh giá tác động của rừng với lũ thì cần phải có nghiên cứu khoa học rất tổng thể.

Thế nhưng nói một cách chính xác, độ che phủ rừng cũng có tác động đến lũ lần này. Nhưng tác động đến mức độ nào thì cần phải có nghiên cứu đánh giá rất cụ thể. Nếu khẳng định do phá rừng hay do rừng không tốt mà bị như thế thì cũng chưa đúng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT NGUYỄN HOÀNG HIỆP

Dừng ngay chuyện làm thủy điện tràn lan

Phá rừng và cái giá phải trả - Bài 1: Rừng ‘chảy máu’ khắp nơi ảnh 5
 

Nói lũ lụt vừa rồi do phá rừng là chính xác nhất. Lũ lụt diễn ra hằng năm, năm nào cũng vậy nhưng việc lên tiếng về nạn phá rừng, xây thủy điện tràn lan chưa đủ sức nặng. Phá rừng thì không giữ được nước, đất rừng sạch bóng, mưa càng nhiều nước càng thấm vào trong đất, núi bị mềm và hóa bùn thì phải sạt lở.

Lâu nay nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản đối việc tỉnh nào cũng cho xây hàng chục thủy điện. Ở Quảng Nam gần 50 thủy điện lớn nhỏ, có đến cả chục bậc thang thủy điện, phá biết bao nhiêu rừng, phá rừng để làm hồ chứa nước, làm đường đi.

Dọc miền Trung hiện nay mỗi tỉnh đều có hàng chục thủy điện. Thủy điện như những “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu người dân. Hiện có một số tỉnh đang xem xét lại việc phát triển thủy điện tại địa phương và mạnh dạn loại bỏ nhiều dự án thủy điện nhỏ, việc này rất đáng hoan nghênh.

Theo tôi biết, hiện cả nước đang có khoảng 800 thủy điện, còn khoảng 450 thủy điện đang xin đầu tư nữa. Dự án nào cũng mở đường lấy gỗ, xây hồ lấy gỗ rồi mới làm thủy điện. Chính phủ phải có một hội thảo khoa học về chuyện này, từ đó phải dừng ngay chuyện làm thủy điện tràn lan, thậm chí lần lượt tháo dỡ bớt thủy điện bởi vấn đề cung cấp năng lượng ở nước ta cơ bản đảm bảo rồi.

KTS HỒ DUY DIỆM, Chủ tịch Hội Bảo vệ lưu vực và dải biển Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Viện Hỗ trợ pháp lý và bảo vệ môi trường Việt Nam

Trồng rừng là con đường ngắn nhất để chống lại biến đổi khí hậu

Phá rừng và cái giá phải trả - Bài 1: Rừng ‘chảy máu’ khắp nơi ảnh 6
 

Tôi cho rằng trong thời gian qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn ra phức tạp. BĐKH làm cho hiện tượng mưa rất lớn, cường độ mạnh, nắng nóng, hạn hán nhiều. Nguyên nhân gây ra thời tiết cực đoan đó là do BĐKH. BĐKH ngày càng cực đoan lại do nhiều nguyên nhân khác nhau như đô thị hóa, công nghiệp hóa... Chính BĐKH gây ra các hiện tượng thời tiết thay đổi cực đoan.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, để giải quyết câu chuyện về chống BĐKH thì phát triển lâm nghiệp, phát triển rừng là con đường ngắn nhất để chống BĐKH vì rừng luôn hấp thụ carbon. Tình hình mưa lũ xảy ra ở miền Trung, đơn cử như ở Quảng Trị thì có độ che phủ rừng rất tốt. Tuy nhiên, do mưa quá nhiều, mưa lớn, mưa lâu khiến nền đất yếu, địa hình dốc lớn gây ra sạt lở.

nếu không có rừng, lũ lụt sẽ còn nặng nề hơn nhiều. Tôi lấy ví dụ, tại sáu tỉnh vùng Bắc Trung bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế diện tích rừng của vùng trên 3,1 triệu ha, tỉ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 57,76%. Tôi cho rằng trồng rừng là con đường ngắn nhất để chống lại BĐKH hiện nay.

Ông NGUYỄN QUỐC TRỊTổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm