Phó Thủ tướng thị sát đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Sáng 1-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ thị sát một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội, trong đó có tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho biết hiện nay dự án đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, phần còn lại hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, khu depot, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu…

Phó Thủ tướng trao đổi với tổng thầu Trung Quốc và yêu cầu triển khai nhanh các công việc còn lại. Ảnh: Giao Thông

Trước khi dự án vận hành thương mại, ông Thể khẳng định các cơ quan phải tập trung vào nhóm công việc ưu tiên là đảm bảo an toàn… Đặc biệt, các bên liên quan cũng phải chứng minh đảm bảo an toàn thiết bị đối với 13 đoàn tàu và hệ thống điều khiển tự động ở các trạm, ga.

“Ngoài công tác nghiệm thu, chúng tôi còn thuê tư vấn kiểm định độc lập, khi nào an toàn mới chứng nhận. Không chứng nhận được an toàn hệ thống thì không thể vận hành” - ông Thể nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu tổng thầu, ban quản lý dự án, TP Hà Nội và tư vấn kiểm định ngồi lại để giải quyết các vấn đề còn tồn tại. “Các bên phối hợp để cố gắng trong 1 đến 1,5 tháng nữa có thể vận hành thương mại từng phần. Bộ cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh một số cơ chế, chính sách giúp dự án vận hành sớm” - ông Thể nhấn mạnh.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cho rằng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến chạy thương mại từ tháng 9-2017. Theo đó, Hà Nội phải làm thủ tục vay lãi để chuẩn bị công tác vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng và tuyển dụng, đào tạo khoảng 1.000 người. “Công tác đào tạo đã xong hai năm nhưng dự án chậm tiến độ, hiện một số công nhân đã bỏ đi. Trong khi đó, từ năm 2018 mỗi năm thành phố đều phải trả lãi vay" - ông Chung nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, thời gian qua tiến độ triển khai công trình còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Để đưa dự án vào vận hành thương mại, ông yêu cầu tổng thầu phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ công trình theo đúng thiết kế đã được phê duyệt và phải có sự đánh giá của đơn vị tư vấn độc lập.

“Dự án phải được các cơ quan, đơn vị liên quan chấp thuận đảm bảo an toàn mới đưa vào khai thác thương mại” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, Phó Thủ tướng cũng đi kiểm tra tại công trường tuyến đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long và dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Riêng dự án Nhổn - ga Hà Nội, ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết tuyến đường sắt đô thị này dài 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm khoảng 4 km. Tiến độ chung dự án đạt khoảng 52%, đối với đoạn trên cao dài 8,5 km triển khai được 63% khối lượng. Dự kiến hoàn thành khai thác đoạn tuyến trên cao vào tháng 4-2021 và đoạn ngầm vào cuối năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.