Thử nghiệm giám sát xe kinh doanh vận tải bằng “mắt thần”

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều đã chủ động lắp đặt camera giám sát trên xe. Theo đó, từ ngày mai (15-3), Sở GTVT các tỉnh, TP có thể truy cập và sử dụng thử nghiệm hệ thống giám sát hình ảnh từ camera trên ô tô kinh doanh vận tải (KDVT).

Hình ảnh rõ nét, dễ quan sát

Anh Nguyễn Văn Đức (ngụ TP Thủ Đức, tài xế đường dài TP.HCM - Nha Trang) cho biết chiếc xe anh lái đã được đơn vị KDVT lắp đặt camera từ trước ngày 1-1 theo đúng quy định.

Tính đến nay, hầu hết các đơn vị KDVT ở TP.HCM đều đã chủ động lắp đặt camera quan sát trên xe. Ảnh: ĐÀO TRANG

“Ban đầu tôi cũng thấy khó chịu nhưng đây cũng là cách để chúng ta thực hiện nghiêm các quy định về giao thông cũng như quy định của công ty. Ngoài ra, phía công ty cũng tiện theo dõi các hành vi của tài xế như đồng phục, tư thế, phát ngôn…” - anh Đức thông tin.

Để Sở GTVT các tỉnh, TP có thể giám sát camera KDVT thuận lợi, Tổng cục Đường bộ sẽ cung cấp tài khoản cho các sở vào hệ thống giám sát.

Dữ liệu từ camera sẽ truyền về máy chủ của đơn vị KDVT. Đồng thời, máy chủ của Tổng cục Đường bộ và các sở GTVT cũng có thể truy cập, quan sát.

Camera sẽ cung cấp các thông tin như biển số đăng ký xe, vị trí xe và thời gian hoạt động vận tải hành khách. Video từ camera sẽ đủ độ sáng, sắc nét dù ban ngày hay ban đêm để các cơ quan, đơn vị dễ dàng quan sát.

Từ dữ liệu này, Sở GTVT các địa phương có thể sử dụng hình ảnh để thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị KDVT trên địa bàn.

Để thực hiện chia sẻ dữ liệu, Bộ GTVT cũng đã đề nghị các địa phương cử cán bộ làm việc với Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ để thực hiện truy cập.

Tỉ lệ lắp đặt camera tăng cao

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải thuộc Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Từ trước tết Dương lịch 2022 đã có đến 60% đơn vị KDVT thực hiện lắp đặt camera trên xe. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đã thực hiện lắp đặt camera theo quy định, bởi nếu không lắp đặt thì sẽ bị xử phạt theo quy định.

Ông Hải cho biết trước đó Hiệp hội Vận tải TP.HCM và các đơn vị KDVT kiến nghị lùi thời gian lắp đặt camera. Tuy nhiên, việc lùi này cũng đã được triển khai trước đó và Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc. Theo đó, đến nay vấn đề lắp đặt camera trên xe phải thực hiện theo đúng quy định, không thể lùi được nữa.

Đại diện thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết đơn vị thường xuyên kiểm tra các bến xe trên địa bàn TP. Hầu hết các đơn vị KDVT từ chín chỗ trở lên đều đã lắp đặt camera, đảm bảo các quy định.

Đến thời điểm này, lực lượng thanh tra giao thông chưa xử phạt trường hợp vi phạm nào. Thời gian tới, thanh tra giao thông tiếp tục ra quân, kiểm tra và xử lý các trường hợp chưa lắp đặt camera trên xe.

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cho biết: Đến nay hầu hết các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh đều tuân thủ, chủ động lắp đặt camera giám sát trên xe. Đồng thời, phía Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cũng thường xuyên tuyên truyền, yêu cầu các đơn vị tuân thủ các quy định về việc lắp đặt này.

Ông Tài cho biết thêm ban đầu một số doanh nghiệp cũng xin lùi thời gian xử phạt, song vấn đề này cần phải thực hiện theo quy định. Đây cũng là phương án giám sát được kỳ vọng là hiệu quả nhất của ngành giao thông với các đơn vị vận tải.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết từ ngày 1-1, các đơn vị KDVT phải lắp đặt camera giám sát theo quy định. Theo đó, số lượng lắp đặt camera đã tăng cao so với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Có thể nói là hầu hết đơn vị KDVT đều lắp đặt camera theo đúng quy định.

Trường hợp các đơn vị KDVT không lắp đặt camera thì sẽ bị xử phạt, thậm chí mức phạt này còn cao gấp 2-3 lần chi phí lắp đặt camera.•

 

Hiện có 126.000 xe hoạt động kinh doanh vận tải

Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện KDVT đã quy định xe KDVT hành khách từ chín chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt hành trình trước ngày 1-7-2021.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian triển khai và áp dụng xử phạt được lùi tới ngày 1-1-2022.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết tính đến ngày 31-12-2021, cả nước có 103.000/205.000 xe KDVT hành khách từ chín chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo đã lắp camera giám sát (đạt tỉ lệ hơn 50%). Trong đó, xe từ chín chỗ đạt 100%, xe khách tuyến cố định đạt 91%, xe hợp đồng 69%, xe container đạt 82% và xe đầu kéo là 78%.

Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ cũng đánh giá các đơn vị KDVT bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên có hơn 79.000 xe đang tạm ngừng hoạt động. Vì vậy, tính đến nay số lượng xe đang hoạt động KDVT là hơn 126.000 xe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm