Tại buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình, Phó ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP, cho biết TP đang triển khai tám dự án trọng điểm theo hình thức PPP. Điều này cho thấy TP đang quyết liệt đeo bám đối với các dự án đầu tư theo hình thức này để giải quyết các vướng mắc, khó khăn, góp phần giảm tải cho ngân sách TP. Ông Bình nhận định hiện nay tổng thể việc triển khai các dự án PPP còn chậm do chính sách thay đổi, vướng về pháp lý, tái định cư và giải phóng mặt bằng. Việc các dự án kéo dài khiến chi phí quản lý, trượt giá tăng lên… dẫn đến nhiều dự án đội vốn. Do vậy, khi quyết định thực hiện dự án PPP cần phải chặt chẽ trong cơ chế phối hợp bởi hiện nay việc phối hợp giữa các đơn vị còn chậm.
Đơn cử như dự án đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhà đầu tư sẵn sàng ứng vốn trước để làm dự án nhưng quận 2 và quận 9 chưa thể bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, hai quận lại cho rằng chủ đầu tư không phối hợp chặt chẽ nên tiến độ thực hiện tái định cư chưa thực hiện được. Dù dự án được đăng ký bàn giao đất từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn loay hoay xác định giá trị đất.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: ĐÀO TRANG
Đối với những dự án còn vướng về mặt pháp lý kéo dài do vướng quy định mới như cầu Bình Triệu, cầu Tân Kỳ Tân Quý, ông Bình đề xuất TP cần rà soát, gỡ vướng cho các dự án này.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết hiện ngân sách TP không nhiều. Trong khi đó, nhu cầu vốn không chỉ phục vụ cho giao thông mà có cả y tế, giáo dục và nhiều công trình khác. Do vậy cần phải đẩy mạnh xã hội hóa. Theo ông Hoan, TP đã chỉ đạo rà soát lại các dự án PPP. Theo đó, những dự án BT đang trong giai đoạn về đích thì tiến hành bình thường, những dự án BT đã ký hợp đồng và đang triển khai dở dang tiếp tục thực hiện theo Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhưng thanh toán theo Nghị định 69/2019, nghĩa là phải đấu giá và báo cáo quỹ đất cho Thủ tướng Chính phủ. Còn những dự án đang có ý tưởng đề xuất thì ngưng lại.
Theo ông Hoan, hiện các giai đoạn chuẩn bị để thực hiện dự án theo hình thức PPP được kêu gọi đầu tư công khai, bài bản nhưng thực hiện không dễ dàng. Ví dụ khi thực hiện đề xuất dự án, Nhà nước chủ động đề xuất thì chủ đầu tư không tham gia, song ngược lại thì hiệu quả. Do vậy, ông Hoan cho rằng cần xem lại việc đề xuất dự án mà nhà đầu tư làm lơ bởi đã có nhiều dự án BT suốt hai năm trời phải dừng lại vì chỉ định thầu, dẫn đến các dự án BT gặp khó.
Ngoài ra, ông Hoan cũng cho biết UBND TP đang chuẩn bị quy trình PPP để triển khai và kiến nghị Chính phủ liên kết với các bộ, ngành hỗ trợ địa phương thực hiện, đây là quy trình cụ thể cho từng loại PPP. “Chúng ta phải có quỹ đất rồi mới tiến hành thực hiện các dự án PPP” - ông Hoan nói.
Kêu gọi đầu tư gần 293 dự án theo hình thức PPP Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết hiện TP đang quản lý 22 hợp đồng dự án đã ký kết và đang triển khai với tổng mức đầu tư là hơn 64.244 tỉ đồng. 166 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến là 324.770 tỉ đồng. Ngoài ra, TP cũng đang kêu gọi đầu tư gần 293 dự án theo hình thức PPP trên tất cả lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực khác với tổng mức đầu tư dự kiến là 910.426 tỉ đồng. |