Luật quy định các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: GTVT; lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Theo Luật PPP, các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn nhà nước trong dự án PPP đối với dự án có yêu cầu sử dụng vốn nhà nước; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của luật này. Cạnh đó, hành vi phê duyệt dự án PPP khi chưa có chủ trương đầu tư; không phù hợp với chủ trương đầu tư; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của luật này… cũng bị nghiêm cấm.
Cạnh đó, các hành vi khác bị nghiêm cấm, nghiêm trị là: Cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng thông đồng với tổ chức tư vấn, nhà đầu tư dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án PPP gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng; không bảo đảm công bằng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư.
Theo Luật PPP, Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau đây: Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỉ đồng trở lên; dự án có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: Nhà máy điện hạt nhân; sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên;
Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc một trong các tiêu chí sau đây: Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;
Các bộ, cơ quan trung ương được quyết định đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công, dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; đầu tư xây dựng mới: Cảng hàng không, sân bay; đường cất/hạ cánh của cảng hàng không, sân bay; nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế; nhà ga hàng hóa cảng hàng không, sân bay có công suất từ 1 triệu tấn/năm trở lên; đầu tư xây dựng mới: Bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển loại I có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.