Xe dù, bến cóc lại hoành hành dịp giáp tết

Tuyến quốc lộ (QL) 1A qua TP.HCM, đoạn từ ngã tư An Sương (quận 12) đến cầu vượt Trạm 2 (quận Thủ Đức), từ nhiều năm nay được biết đến là điểm đen của nạn xe dù, bến cóc. Đặc biệt, dịp tết Tân Sửu đang cận kề, tình trạng này càng diễn biến phức tạp hơn.

Một xe khách dừng ngay làn xe máy khu vực đối diện ĐH Nông Lâm,
phụ xe xuống xe mời chào khách. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe ra vào đón khách, chèo kéo khách tại các bến đỗ tự phát dọc đoạn QL trên.

Ngang nhiên “vợt” khách trước biển cấm

Theo ghi nhận của PV, 16 giờ 25 ngày 12-1, tại một cây xăng ở chân cầu vượt Bình Phước (đối diện chợ đầu mối Thủ Đức), hàng chục hành khách với đồ đạc lỉnh kỉnh tập trung chờ xe. Cây xăng này được xem là điểm đón khách thường xuyên của rất nhiều xe đi từ Bến xe An Sương và Bến xe Miền Đông.

Chỉ trong vòng 15 phút đã có đến hơn 20 xe khách chủ yếu chạy lộ trình từ TP.HCM đi miền Trung tấp vào đón khách hoặc chèo kéo khách. Điều đáng chú ý, cách cây xăng này khoảng 20 m có cắm biển cấm dừng, đỗ từ 6 giờ đến 20 giờ.

16 giờ 28 cùng ngày, chúng tôi ghi nhận xe khách biển số 51B-277.83 tấp vào đoạn đường trước cây xăng. Tuy nhiên, chiếc xe lại dừng ở giữa làn đường xe máy. Sau đó tài xế mở cửa cho phụ xe bước xuống, rảo bước mời hành khách đi xe.

Ngay sau đó, các xe khách giường nằm biển số 51F-001.64, 51B-215.84 cũng ghé vào đón khách ở cây xăng này. Thậm chí hai chiếc xe khách nằm song song với nhau, chắn toàn bộ đường đi khiến hàng chục người đi xe máy phải di chuyển vòng vào bên trong cây xăng để đi tiếp.

Các xe này trung bình dừng lại ở khu vực khoảng 5 phút để mời chào khách. Nhiều thời điểm lượng xe khách tập trung tới bốn chiếc, nằm dàn trải ra toàn bộ làn đường.

Một hành khách đón xe ở khu vực trên cho biết: “Tôi đi xe rất nhiều lần và đều đón xe ở đây”. Khi được hỏi lý do không vào bến để đón, người này trả lời: “Vào bến rồi tí xe cũng chạy ra đây thôi”.

Một người đàn ông xe ôm (có vẻ là cò xe khách) thấy chúng tôi đứng lơ ngơ thì tiếp cận, hỏi lộ trình. Sau đó, người này tư vấn về các chuyến xe và thời gian. Khi PV hỏi vì sao các xe khách lại có thể ngang nhiên dừng, đỗ đón khách dù có biển cấm, người đàn ông này trả lời thản nhiên: “Ở đây không có cấm!”.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở khu vực cầu vượt Sóng Thần, cầu vượt Ngã Tư Ga, đoạn trước Bến xe khách Lam Hồng và đoạn đối diện Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM.

17 giờ 37, một xe khách tuyến TP.HCM - Phú Yên biển số 78B-005.64 tấp vào khu đối diện Trường ĐH Nông Lâm đón khách. Thấy chúng tôi, phụ xe nhanh chóng tiếp cận mời chào. Khi nghe chúng tôi muốn về TP Tuy Hòa, người này ra giá: “200.000 đồng, đi luôn, tôi chở anh về trung tâm TP”. Thấy khách lắc đầu, người này giảm giá: “150.000 đồng, đi đi, rẻ rồi”.

Đề xuất lắp camera để giải quyết phần gốc

Trao đổi với PV, ông Phan Trung Tâm, Phó Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông (TTGT) số 5, Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Đội thanh tra đã phối hợp với lực lượng chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý thực trạng trên. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn của đoàn kiểm tra liên ngành là các nhà xe đều có người cảnh giới theo dõi, quan sát lực lượng kiểm tra. Khi phát hiện có cán bộ kiểm tra, những người này này sẽ báo với tài xế để tìm cách tránh bị kiểm tra.

Bên cạnh đó, tuyến QL1A cũng giáp ranh với tỉnh Bình Dương, khi xử lý vi phạm hành chính, các tài xế lợi dụng địa giới hành chính để đối phó lực lượng kiểm tra. Do đó, khu vực trên rất phức tạp về tình hình giao thông và gây khó khăn trong việc xử lý hành chính của lực lượng chức năng.

Theo ông Tâm, ngoài thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tuần tra, xử lý, đơn vị còn nắm bắt tình hình từ cơ sở lực lượng địa phương như trật tự đô thị, công an các phường… Qua đó nắm bắt giờ giấc của các xe thường xuyên hoạt động để phối hợp xử lý.

Tuy nhiên, ông Tâm phân tích: “Về mặt thực tế, qua những đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành chỉ mới giải quyết được phần ngọn của nạn xe dù, bến cóc. Về lâu dài, tôi đề xuất nghiên cứu lắp camera tại các điểm nóng thường xuyên có hoạt động đón trả khách trái phép thì mới giải quyết phần gốc vấn đề”.

Kế hoạch năm 2021, Đội TTGT số 5 sẽ thực hiện xuyên suốt cả ngày lẫn đêm với ba đơn vị: CSGT Bình Triệu, Rạch Chiếc, Cát Lái tập trung kiểm tra, xử lý dừng, đỗ trái quy định và chở quá số người quy định.

Đại diện TTGT cho biết trong năm 2020, đơn vị đã tiếp tục duy trì việc rà soát, cập nhật biến động các điểm có hoạt động đón trả khách. Đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra, xử lý các loại xe vi phạm theo thẩm quyền trên địa bàn TP.

Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay với dịp tết Nguyên đán Tân Sửu này, sở sẽ tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cụ thể, sở đã yêu cầu TTGT chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng CSGT để kiểm tra, xử lý các điểm đón trả khách vi phạm quy định trật tự an toàn giao thông. 

Điển hình tại khu vực các bến xe liên tỉnh, trước khu du lịch Suối Tiên và dọc các tuyến QL. Qua kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản 2.234 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt khoảng 3,5 tỉ đồng. Đồng thời, TTGT đã triển khai ba đợt cao điểm kiểm tra, xử lý hoạt động vận tải hành khách.

Ra quân xử lý xe dù, bến cóc

Sáng 13-1, đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Đội TTGT số 5 (thuộc Sở GTVT TP.HCM); Đội CSGT Bình Triệu, Rạch Chiếc; Đội Cảnh sát trật tự Công an quận Thủ Đức, quận 9 đồng loạt ra quân kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách dọc QL1A (quận Thủ Đức) và khu vực Suối Tiên (quận 9).

Đoàn kiểm tra đã xử lý bốn trường hợp dừng, đỗ sai quy định và không có hợp đồng vận chuyển hành khách theo quy định. Trong đó, xe 16 chỗ Toàn Thắng biển số 72B-030.95 đỗ xe ở hè phố trái quy định; xe khách biển số 79B-033.41 đỗ xe nơi có biển cấm dừng, đỗ xe; xe khách Vương Bình biển số 51B-036.26 vi phạm đỗ xe nơi có biển cấm dừng, đỗ xe và điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng xe dùng hợp đồng bằng văn bản giấy, không có hợp đồng vận chuyển theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm