Doanh nghiệp biến nhân viên thành người nổi tiếng

(PLO)- Thay vì chi tiền để thuê người nổi tiếng marketing, nhiều công ty Việt đã đào tạo nhân viên thành người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng, TikToker… để tiết kiệm phí.

Đứng trước bài toán phải có doanh thu trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt đang tận dụng các nền tảng số để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều công ty mạnh dạn đầu tư để biến nhân sự của công ty trở thành người nổi tiếng (KOL), người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường (KOC).

Đào tạo nhân sự thành người nổi tiếng

Nhiều đơn vị kinh doanh đang thay đổi cách làm truyền thông để giữ chân khách hàng cũ và tìm kiếm thêm khách hàng mới. Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ 30Shine - thương hiệu tóc nam là một ví dụ. Hiện đơn vị này sở hữu 500 kênh TikTok với hàng triệu người theo dõi.

Nhiều đơn vị kinh doanh tập trung đào tạo nhân viên trở thành người livestream bán hàng, người nổi tiếng… để tiết kiệm chi phí marketing. Ảnh: TH

Ông Bùi Quang Hùng, Giám đốc marketing 30Shine, cho biết công ty có chính sách đào tạo nhân sự trở thành các nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng số. Công ty cũng ưu tiên tuyển dụng nhân sự có khả năng sáng tạo nội dung trên các nền tảng video ngắn. Mục đích nhằm bắt kịp xu hướng truyền thông cá nhân hóa và tiết kiệm chi phí marketing.

Đào tạo người livestream bán hàng

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT, khẳng định thông qua livestream bán hàng nông sản, nhiều nông dân đã thành công. Vì vậy tới đây không chỉ mời người nổi tiếng tham gia các phiên livestream bán hàng nông sản, trung tâm còn chọn ra 10-15 chủ thể ở mỗi địa phương để đào tạo trở thành những người livestream bán hàng, tiến tới chính thức mở kênh bán hàng online.

“Trong bối cảnh các nhà kinh doanh đang tìm cách thích nghi với xu hướng từ mạng xã hội, chúng tôi cũng buộc phải tận dụng các yếu tố giải trí để sáng tạo nội dung. Qua đó mang đến trải nghiệm khác biệt, rút ngắn mục tiêu thu hút view, đáp ứng nhu cầu của khách chỉ xem vài chục giây” - ông Hùng nói.

Vị đại diện 30Shine thông tin thêm nhờ chiến lược này, công ty đã dịch chuyển chi phí dành cho các kênh marketing truyền thống sang cho các nhân sự của công ty, từ đó vừa tạo thiện cảm của khách hàng tới nhân viên, vừa tăng sự gắn kết của nhân viên với công ty. Mỗi nhân viên giờ đây ngoài công việc chuyên môn như cắt tóc, gội đầu… còn là một đối tác marketing tiềm năng. “Chính độ nhận diện của dàn hot TikToker đã thu hút lượng lớn khách đến trải nghiệm dịch vụ, nhờ đó thúc đẩy doanh thu tăng trưởng” - vị giám đốc marketing thông tin.

Tương tự, ông Trần Thanh Tùng, nhà sáng lập thương hiệu mỹ phẩm nam Loli & The Wolf, cũng nhìn nhận: Việc xây dựng đội ngũ người nổi tiếng, người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường là điều rất quan trọng. Ông nói: “Bản thân tôi là chủ công ty, tôi chỉ có thể nói lên tâm huyết với sản phẩm, với công việc. Tuy nhiên, việc đào sâu, hiểu rộng, lan tỏa tới ngóc ngách cũng như nắm bắt tâm lý tiêu dùng của thị trường một cách nhanh nhất thì vẫn cần một đội ngũ riêng biệt”.

Ông chia sẻ bản thân từng trải qua xây dựng khá nhiều thương hiệu có tiếng nên nhận ra việc triển khai đào tạo người nổi tiếng, người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường nên xuất phát từ chính bản thân mỗi DN. Bởi sẽ không ai hiểu thương hiệu của DN bằng chính DN đó, hơn nữa không phải lúc nào cũng có đủ tiền để thuê người nổi tiếng, nghệ sĩ hay các đơn vị truyền thông làm marketing.

“Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, nhà kinh doanh phải tự xoay xở tìm cách biến người của công ty thành người nổi tiếng, tận dụng tối đa nguồn lực để tìm lối đi cho mình. Khách hàng không chỉ có nhu cầu mua hàng mà còn muốn kết nối với thương hiệu qua nội dung, video” - ông Tùng nhấn mạnh.

Đằng sau một cá nhân có hàng triệu lượt xem và người theo dõi là cả một êkíp hùng hậu.

Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Long, nhà sáng lập chuỗi thương hiệu F&B “Một buổi sáng”, hiện sở hữu kênh TikTok Long Chun với 7 triệu lượt theo dõi, cho biết: Sau hai năm kinh doanh, doanh thu hiện tại của công ty đạt khoảng 900 triệu đồng mỗi tháng và lợi nhuận ròng dao động 12%-13%; doanh thu dự kiến cả năm 2023 là 10 tỉ đồng. Ông khẳng định: “Nhiều cơ hội trong kinh doanh và hợp tác với các nhãn hàng nhờ các nền tảng mạng xã hội, trong đó có TikTok”.

Thận trọng khi sử dụng nguồn lực người nổi tiếng

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nhìn nhận việc các đơn vị kinh doanh tự xây dựng cho mình nguồn lực người nổi tiếng, người tiêu dùngcó sức ảnh hưởng sẽ giúp tiết kiệm được chi phí marketing. Bên cạnh đó, giải pháp này còn giúp các nhà kinh doanh tận dụng được nguồn lực và vấn đề bản quyền sở hữu tài khoản hoặc các kênh mạng xã hội như TikTok, Facebook, YouTube...

Thực tế hiện nay, muốn hợp tác với người nổi tiếng, nghệ sĩ…, nhà kinh doanh phải tốn 50-60 triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho một lần phát sóng. Trong khi đó, nếu tận dụng nhân sự “cây nhà lá vườn” thì chi phí bỏ ra ít hơn rất nhiều. Chưa kể trong một số lĩnh vực, quá trình tư vấn cho khách hàng, sự thấu hiểu sản phẩm cũng hiệu quả hơn so với việc thuê người nổi tiếng.

Dù vậy, theo ông Đức, việc quản lý đội ngũ người nổi tiếng “cây nhà lá vườn” phải được tính toán kỹ lưỡng và có các phương án dự phòng. Bởi thực tế có trường hợp nhân sự của DN khi đạt một độ nổi tiếng nhất định thì rời đi và xây dựng kênh mới, khi đó họ sẽ mang đi kha khá lượng khách hàng ruột do nhân sự này mang lại.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Thanh Tùng cho rằng khi DN đầu tư xây dựng một nhân sự trở thành người nổi tiếng, người tiêu dùngcó sức ảnh hưởng cũng có rủi ro khi “cơm không lành, canh không ngọt”. Điều này ảnh hưởng ít nhiều tới sự phát triển của thương hiệu.

Chính vì thế, bài học cho các nhà kinh doanh khi xây dựng đội ngũ người nổi tiếng, người tiêu dùng có sức ảnh hưởng là không phụ thuộc quá vào một người nào đó, nhất là trong quá trình khởi nghiệp. Đồng thời, DN cũng nên có quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của từng bên trong quá trình tham gia.

Đằng sau một cá nhân triệu view là êkíp hùng hậu

Nhiều công ty đúc kết rằng để thành công với chiến lược biến nhân viên thành người nổi tiếng, TikToker… thì phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết và bài bản. Ví dụ, phải lựa chọn và đào tạo được nhân sự có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, có kỹ năng quay dựng, sản xuất nội dung tốt... Qua đó nhằm tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, tránh ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Quang Hùng nhìn nhận: “Chúng tôi đào tạo đội ngũ nghiên cứu nội dung và hệ thống đào tạo bài bản. Đặc biệt, đằng sau một cá nhân có hàng triệu lượt xem và người theo dõi là cả một êkíp hùng hậu triển khai các việc nghiên cứu nội dung, ý tưởng kịch bản, làm thương hiệu cá nhân, quay phim, editor… Tôi tin rằng các nhân sự tham gia cùng dự án truyền thông thương hiệu đều thấu hiểu sức đóng góp to lớn của những người làm hậu kỳ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới