Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ hoàn thiện quy định trách nhiệm người nổi tiếng trong quảng cáo thực phẩm chức năng

(PLO)- Luật Bảo vệ người tiêu dùng sắp có hiệu lực quy định người nổi tiếng có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 382 ngày 16-9 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Trong đó, thông báo nêu rõ các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam rà soát, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, sản phẩm quảng cáo thực phẩm trong đó có trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo.

Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.

quyen linh quang cao sua.jpg
Luật Bảo vệ người tiêu dùng sắp có hiệu lực quy định người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm phải thông báo cho người tiêu dùng biết mình được tài trợ để cung cấp thông tin hàng hóa dịch vụ. ẢNH: TÚ UYÊN

Theo Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, ngày 20-6 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2024.

So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010, Luật sắp có hiệu lực, có một số điểm mới.

Về chủ thể "người tiêu dùng", Luật bổ sung tiêu chí “không vì mục đích thương mại” nhằm để xác định rõ, tạo căn cứ thống nhất trong quá trình xác định người tiêu dùng.

Vì vậy, theo Luật bảo vệ người tiêu dùng sắp có hiệu lực, “người tiêu dùng” là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại.

Bên cạnh đó, Luật bảo vệ người tiêu dùng sắp có hiệu lực bổ sung chủ thể mới “người có ảnh hưởng” là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ.

Theo Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, trước thực trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng thường xuyên thực hiện quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, Luật bổ sung đối tượng “người có ảnh hưởng” để tạo căn cứ xác định chính xác khái niệm và trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về trách nhiệm, Luật Bảo vệ người tiêu dùng sắp có hiệu lực quy định, trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua "người có ảnh hưởng" thì người này có trách nhiệm: bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp và chương trình đánh giá, xếp hạng liên quan.

Thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Cuối tháng 8, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tháng 12 này trình Chính phủ.

Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý của các Bộ ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo dự thảo nghị định, “người có ảnh hưởng” là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể, có khả năng ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng gồm: người nổi tiếng, chuyên gia, người có chuyên môn cao có ảnh hưởng trong lĩnh vực cụ thể.

Người có uy tín theo quy định của pháp luật, người được xã hội chú ý, người có ảnh hưởng trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm