Video: Doanh nghiệp cần cơ chế ưu đãi sử dụng hệ thống điện mặt trời |
Ngày 21-2, Đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tổ chức giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2021” với các sở, ban ngành và quận, huyện trên địa bàn.
Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (KCX - KCN) TP, cho biết hiện tại có 117 công trình điện mặt trời áp mái được triển khai trong KCX, KCN và khu công nghệ cao.
Theo ông Trực, hệ thống điện mặt trời áp mái là công trình đặc thù, không những có thể áp dụng trong KCX, KCN mà còn có thể lắp đặt trên tất cả mái nhà của dân.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng ban Ban Quản lý các KCX-KCN TP kiến nghị cần có cơ chế ưu đãi để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Trước mắt, để đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng năng lượng này trong các KCX, KCN thì cần có cơ chế ưu đãi để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Ông Trực cũng kiến nghị cần gỡ vướng những quy định pháp luật về thủ tục về xây dựng, lắp đặt.
“Để đẩy mạnh việc này thì Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn chi tiết về việc lắp đặt cũng như các thủ tục cần thiết. Đơn cử như việc lắp đặt hệ thống này có ảnh hưởng thế nào đến kết cấu xây dựng công trình, mái nhà hay ảnh hưởng về công tác an toàn PCCC ra sao... phải cụ thể, chi tiết để có thể áp dụng trên toàn quốc”- ông Trực nêu.
Bàn về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Thị Kim Ngọc nhìn nhận hệ thống điện mặt trời trên mái nhà được xem là nguồn điện phân tán và nguồn năng lượng xanh hiệu quả tại khu vực đô thị, góp phần bảo vệ an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Thị Kim Ngọc phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Bà Ngọc thông tin, tính đến cuối năm 2022, TP.HCM có tổng 14.151 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 355,19 MWp vận hành (chiếm khoảng 7% công suất trung bình toàn hệ thống điện). Trong đó, gần 99% hệ thống điện mặt trời trên mái nhà được lắp đặt nhằm mục tiêu sử dụng tại chỗ.
Để đẩy mạnh sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, bà Ngọc kiến nghị cần có cơ chế, chính sách khuyến khích khai thác năng lượng mặt trời mái nhà nhằm phát huy tiềm năng về điện mặt trời trên địa bàn TP.
Bà Ngọc nói thêm, cần tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện các luật chuyên ngành về điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các luật khác liên quan đến ngành năng lượng. Đây sẽ là cơ sở thực hiện hiệu quả cơ chế thị trường bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh.
Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM đang hướng đến mục tiêu xây dựng TP thông minh, công nghệ cao, để làm được, TP cần xây dựng kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo. Ông Nghĩa đề nghị TP xem xét lại tiềm năng phát triển năng lượng điện tại tái tạo trên địa bàn và phát huy thêm nữa thế mạnh này.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Phước Thắng phát biểu kết luận buổi giám sát. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Phước Thắng ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị đã triển khai và thực hiện hiệu quả về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2021.
Ông Thắng đề nghị trong giai đoạn tới, các đơn vị quan tâm hơn đến phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển hệ thống quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất năng lượng với công nghệ tiên tiến,... phù hợp với mục tiêu phát triển của TP.