Doanh nghiệp chờ đợi đơn hàng bùng nổ dịp cuối năm

(PLO)- Những ngày gần đây, một số doanh nghiệp chia sẻ hoạt động sản xuất, xuất khẩu đang có nhiều yếu tố thuận lợi, các đơn hàng rục rịch trở lại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng tồn kho đang giảm, mùa lễ hội bắt đầu, nền kinh tế của các nước đã bắt đầu tạm ổn. Những yếu tố này đặt ra kỳ vọng về sự phục hồi sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN) vào những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các DN, tín hiệu hồi phục không diễn ra đồng đều ở tất cả ngành hàng. Ví dụ, ngành gỗ vẫn khó khăn, ngược lại dệt may, thủy sản, da giày… đang kỳ vọng vào mùa Giáng sinh, tết Dương lịch đang đến gần.

Tín hiệu tích cực

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tháng 8, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 7,7% so với tháng trước, ước tính đạt 32,37 tỉ USD. Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỉ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 23,94 tỉ USD, tăng 7,3%.

xuat-khau-go.jpg
Sau thời gian dài ảm đạm, ngành gỗ đang có dấu hiệu phục hồi. Trong ảnh: Khách hàng nước ngoài tìm hiểu về đồ gỗ tại triển lãm quốc tế ngành chế biến gỗ đang diễn ra tại TP.HCM.
Ảnh: TÚ UYÊN

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng vẫn chưa có sự đột biến. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 năm nay vẫn giảm 7,6%. Tính chung tám tháng giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Những ngày gần đây, một số DN chia sẻ hoạt động sản xuất, xuất khẩu đang có nhiều yếu tố thuận lợi, các đơn hàng đang rục rịch trở lại. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết: “Các đối tác truyền thống có yêu cầu đặt hàng thêm một số mã sản phẩm nhưng không nhiều. Chính vì vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều công ty ngành gỗ đã phải cắt giảm công suất. Đồng thời tìm mọi biện pháp để có đơn hàng, thậm chí nhận cả các đơn hàng lẻ, dù biết rằng không có lãi, chỉ để có thêm việc làm để giữ chân người lao động”.

Trong khi đó, ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết VN là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ năm trên thế giới. Hiện ngành gỗ đang có dấu hiệu phục hồi khi lạm phát ở Mỹ và một số nước đang giảm dần, chỉ số tiêu dùng bắt đầu tăng trở lại, hàng tồn kho nội thất giảm, ngành xây dựng đang có sự gia tăng về cầu.

Bên cạnh đó, số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy từ đầu quý III, tình hình xuất khẩu gỗ của VN có tín hiệu khả quan khi kim ngạch trong tháng 8 đạt trên 1,1 tỉ USD sau thời gian dài sụt giảm.

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, ông Ngô Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hỗ trợ công nghiệp VN (VISA), cũng cho biết các công ty trong ngành đang hồi phục nhưng còn chậm.

“Tỉ lệ đơn hàng mới chỉ có rải rác ở một số công ty. Hiện lạm phát trên thế giới có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao, kinh tế còn khó khăn nên vẫn tác động rất tiêu cực đến các DN VN. Chuyến thăm VN của tổng thống Mỹ mới đây mở ra cơ hội cho thúc đẩy đầu tư thương mại nhưng việc chuyển dịch đầu tư cần có thời gian” - ông Khánh nói.

Kỳ vọng đơn hàng bùng nổ

Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của VN đạt kỷ lục với 11 tỉ USD, mức tăng trưởng cao chưa từng có trong lịch sử trước đó. Thế nhưng, bước sang năm 2023, các DN thủy sản cũng không tránh khỏi cơn bão lạm phát trên toàn cầu khiến nhu cầu của người mua giảm mạnh, đơn hàng liên tục bị cắt giảm ở hầu hết thị trường. Tám tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,68 tỉ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

May mắn là bước sang quý III, tình hình đã có cải thiện với nhiều tín hiệu thuận lợi. Đại diện một công ty thủy sản chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, lạm phát khiến người dân phải thắt lưng buộc bụng không chi tiêu thì bây giờ đã đến lúc người dân phải chi tiêu”.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nhận định: “Hàng tồn kho đang giảm, mùa lễ hội bắt đầu, nền kinh tế của các nước đã bắt đầu tạm ổn. Những yếu tố đó đặt ra kỳ vọng về sự phục hồi sản xuất, xuất khẩu vào những tháng cuối năm, đặc biệt là nhu cầu về thực phẩm, trong đó có thủy sản sẽ tăng trở lại”.

Đối với lĩnh vực da giày, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP.HCM, cho hay lượng hàng tồn đã giảm khoảng 30%-40% so với thời điểm đầu năm. Đây là tín hiệu đáng mừng. Hiện các DN da giày đang trông đợi thị trường tiêu thụ sẽ sôi động hơn vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, vì nhiều chỉ dấu chưa rõ ràng, các đơn hàng vẫn lẻ tẻ nên nhiều DN vẫn thận trọng, chưa dám tuyển dụng lao động ồ ạt trở lại.

“Cũng giống như mùa dịch, giờ các DN đang cố hết sức duy trì đội ngũ lao động có tay nghề khá, còn lao động phổ thông thì khi nào đơn hàng có nhiều mới dám kêu gọi họ quay lại” - ông Khánh chia sẻ.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ về khả năng phục hồi thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết từ nay đến cuối năm, dù có những tín hiệu tích cực, song dự báo bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình lạm phát mặc dù đã chững lại song vẫn ở mức cao tại các thị trường, trong khi tình hình địa chính trị, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Điều này khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị đứt gãy, giá cả nhóm hàng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn duy trì ở mức cao.

“Căn cứ kết quả xuất nhập khẩu cho đến thời điểm hiện nay, mục tiêu tăng trưởng 6% kim ngạch xuất khẩu như kế hoạch đặt ra từ cuối năm 2022 là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với sự chủ động của các cấp, các ngành và đặc biệt là cộng đồng DN, chúng ta tin tưởng vào kết quả khả quan về kim ngạch xuất khẩu từ nay đến cuối năm 2023” - Thứ trưởng Hải chia sẻ.

Ông Hải cũng khẳng định Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các địa phương, DN, các cơ quan đại diện của VN tại nước ngoài đẩy mạnh công tác phát triển thị trường để hỗ trợ DN kịp thời, cụ thể và hiệu quả nhất. Bộ cũng sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm