Ngày 17-4, nguồn tin của PLO xác nhận Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo phân tích sơ bộ chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2022 của tỉnh này.
|
PCI Đắk Lắk năm 2022 giảm 26 bậc, hiện xếp 60/63 tỉnh, TP. Ảnh chụp từ màn hình |
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk, năm 2022 PCI Đắk Lắk giảm 3,29 điểm so với năm 2021, tương đương với việc giảm 26 bậc, xếp thứ 60/63 tỉnh, TP.
Có ba chỉ số tăng điểm, gồm: gia nhập thị trường, tính minh bạch và chi phí không chính thức. Còn lại bảy chỉ số khác đều giảm điểm, trong đó có ba chỉ số giảm nhiều nhất là đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng và chính sách hỗ trợ DN.
Về thứ hạng, giảm mạnh nhất là cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, an ninh trật tự.
Đối với nguyên nhân giảm điểm về chỉ số tiếp cận đất đai, theo Sở KH-ĐT Đắk Lắk là do vướng các quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất; đổi đất có nguồn gốc ở các công ty nông lâm nghiệp... Chỉ số đất đai năm 2021, thứ hạng tỉnh Đắk Lắk xếp thứ ba, năm 2022 là 35.
Về chỉ số tính minh bạch, doanh nghiệp đánh giá không cao về chất lượng webside của tỉnh và các thông tin cung cấp trên webside về thủ tục hành chính, chỉ đạo điều hành, ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, văn bản pháp luật.
Ngoài ra, doanh nghiệp đánh giá việc tiếp cận tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý còn khó khăn; khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến; số thời gian thanh, kiểm tra thuế mỗi cuộc tăng cao hơn so với năm 2021.
Về chỉ số cạnh tranh bình đẳng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng doanh nghiệp lớn được tỉnh ưu ái hơn trong giải quyết các khó khăn (chiếm tỉ lệ 80%), ưu tiên hơn về thu hút đầu tư, thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai (chiếm tỉ lệ 63%), dễ dàng có được các hợp đồng từ cơ quan nhà nước…
Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp cho rằng các sở, ngành và cấp huyện không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh; chính sách của tỉnh đối với việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động là ổn định, nhưng nhất quán không cao.
Bên cạnh đó, tỉ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực” bị giảm hơn so với năm 2021.
Đối với chỉ số đào tạo lao động (giảm 37 bậc), theo Sở KH-ĐT chất lượng lao động và lao động giáo dục phổ thông của tỉnh không được đánh giá cao.
Các doanh nghiệp đánh giá về việc tuyển dụng lao động phổ thông, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, giám sát tại tỉnh Đắk Lắk là dễ dàng. Do đó, doanh nghiệp phải bỏ ra thêm nhiều chi phí để đào tạo lao động.
Doanh nghiệp cũng chưa hài lòng về hệ thống pháp luật có cơ chế giúp doanh nghiệp tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ nhà nước.
Doanh nghiệp chưa tin tưởng khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền; tòa án các cấp xét xử chưa đúng, chưa nhanh chóng đối với các vụ việc (vụ kiện) về kinh tế; tỉ lệ doanh nghiệp bị trộm cắp, hoặc bị đột nhập năm qua gia tăng…
Trong thời gian tới, Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo, đánh giá phân tích cụ thể về nguyên nhân làm giảm chỉ số PCI tỉnh Đắk Lắk; đồng thời tham mưu giải pháp cải thiện chỉ số này trong năm 2023 và những năm tiếp theo.