15.000 doanh nghiệp sẽ đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ngành TP.HCM

(PLO)- TP.HCM triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở- ban, ngành và địa phương (DDCI) TP.HCM năm 2022 với sự tham gia của 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 16-12, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị công bố triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) TP.HCM năm 2022.

Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ thực hiện các khảo sát, đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các sở-ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện.

Số lượng tham gia khảo sát dự kiến khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể (kỳ vọng tỉ lệ hồi đáp 25-30%). Trong đó, 8.000 doanh nghiệp đánh giá khối địa phương và 7.000 doanh nghiệp đánh giá khối sở-ban, ngành.

15.000 doanh nghiệp sẽ đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ngành TP.HCM ảnh 1

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng đại diện các doanh nghiệp TP nhấn nút khởi động DDCI TP.HCM. Ảnh: THANH TUYỀN

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nói dù đi sau các tỉnh, thành khác nhưng DDCI của TP.HCM là phần mềm đánh giá mang tính đặc thù của một đô thị lớn nhất cả nước kể cả về quy mô kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết các bài toán của xã hội.

Ông Võ Văn Hoan nhìn nhận, dù nhận thức về công tác cải cách hành chính đã nâng lên nhiều nhưng vẫn chưa có sự tròn trịa, hiểu biết cũng được nâng lên nhưng chưa sâu sắc.

Phó Chủ tịch UBND TP nói rằng về đánh giá chỉ số cải cách hành chính hàng năm, dù TP đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn những bức xúc cho thấy chưa có sự nhận thức đầy đủ, tới nơi tới chốn về chỉ số này.

“Đây là nội dung đánh giá mang tính khách quan, cách làm hoàn toàn mới nên tư duy phải đổi mới, phải chuyển từ tư duy tự đánh giá, tự hài lòng đến lắng nghe, thấu hiểu, đồng lòng và đột phá. Tư duy này sẽ trở thành khẩu hiệu của TP.HCM”- ông nhấn mạnh.

Từ đó, ông yêu cầu trước khi bước vào công cuộc đánh giá thì các sở, ngành, quận, huyện nên trao đổi lại cho kỹ, có điều chỉnh nếu thấy nó phù hợp, thích hợp.

Theo ông Võ Văn Hoan, nhiều hoạt động của TP hiện nay đều liên quan đến doanh nghiệp cả về quy hoạch, giao thông, xây dựng, tài chính, thuế…. Các doanh nghiệp đã rất chia sẻ với TP về những khó khăn của TP hiện nay nhưng với doanh nghiệp thì thời gian là rất quan trọng, chậm một ngày là tiền tỉ đổ ra, làm mất đi cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.

15.000 doanh nghiệp sẽ đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ngành TP.HCM ảnh 2

Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Từ đó, Phó chủ tịch UBND TP cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong bộ máy hiện nay khiến hoạt động của doanh nghiệp chững lại.

Điểm thứ nhất là có sự “đu đưa, đùn đẩy, khiến doanh nghiệp thấy choáng”. “Chúng ta đẩy qua đẩy lại đến mức độ người lãnh đạo, chủ trì cũng không hiểu, làm cho công việc trở nên rối bời, không rõ trách nhiện của cơ quan nào. Trong khi doanh nghiệp cần rõ con đường đi thì chúng ta lại lập lờ”- ông nêu thực tế.

Ông nói thêm, các doanh nghiệp nắm rất rõ các quy định về luật nên nhiều vấn đề bức xúc xuất phát từ việc chính quyền xử lý chưa phù hợp, khiến doanh nghiệp có suy nghĩ “họ là quan nên phải vậy” nên cần phải có sự rõ ràng trong câu trả lời, được hay không chứ không nên mập mờ.

Kế tiếp, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu cần có sự rạch ròi về trách nhiệm. “Doanh nghiệp không thấy trách nhiệm của mình ở đâu, còn mình ở đây không ai thấy trách nhiệm của mình cả” - ông Hoan nói.

Cuối cùng, ông Hoan đặt vấn đề các sở, ngành có nỗ lực để làm hay không. “Như việc tiếp cận đất đai chậm, không rõ ràng, không minh bạch đến khi đụng vào thì nở nồi ra không chỉ trách nhiệm của Sở TN&MT mà còn nhiều sở, ngành khác”- ông Hoan nói và nhấn mạnh cả quận, huyện, chính quyền địa phương cũng cần nhìn thấy trách nhiệm của mình về việc này.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhắc đến thái độ, trách nhiệm khi tiếp cận, tiếp nhận những phản ánh của doanh nghiệp. Theo ông, tiếp doanh nghiệp thì phải trân trọng, đúng mức, phải có kết quả, thấu tình đạt lý chứ không đẩy đưa

“Có những việc không phải cứ chờ đến pháp luật điều chỉnh mà chính nội bộ chúng ta phải điều chỉnh. Từ phòng này qua phòng kia, bước qua cánh cửa thôi nhưng khó lắm. Nội bộ mình phải tự cải tổ, phải điều chỉnh rõ nhiệm vụ, rõ chức năng chứ có nơi việc nằm ở cơ quan mình mà đi lòng vòng 5-7 ngày, thậm chí 2 tuần chưa giải quyết xong, rồi có khi nghẽn dưới tầng cuối cùng đến khi nhận phản ánh thì lôi từ dưới lên để giải quyết” - ông Hoan chấn chỉnh.

Theo ông Hoan, DDCI mang nhiều ý nghĩa tích cực giúp các đơn vị và địa phương nhận ra điểm mạnh và hạn chế của mình. Từ đó phát huy, tăng cường hoặc điều chỉnh, khắc phục để nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.

DDCI cũng giúp TP có những sách lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế, cải thiện chất lượng quản trị công, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP.HCM trong những năm tiếp theo

8 nội dung khảo sát, lấy ý kiến

Ông Đào Minh Chánh, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết sẽ có tám nội dung khảo sát, lấy ý kiến bao gồm:

- Tính minh bạch và tiếp cận thông tin

- Tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở-ban ngành và chính quyền địa phương

- Chi phí thời gian

- Chi phí không chính thức

- Cạnh tranh bình đẳng

- Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

- Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (nội dung an ninh trật tự chỉ áp dụng cho khối địa phương)

- Vai trò của người đứng đầu sở-ban, ngành và chính quyền địa phương. Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm Chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.

Được biết, thời gian khảo sát từ nay đến hết tháng 1-2023. Việc tổ chức công bố báo cáo kết quả DDCI năm 2022 và triển khai Kế hoạch DDCI năm 2023 trước ngày 15-3-2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm