Ngày 11-4, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Lần thứ sáu liên tiếp, Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng về PCI.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhận kỷ niệm chương PCI 2021. Ảnh: CHÂN LUẬN |
Nỗ lực cải cách hằng ngày
Chia sẻ về kết quả này, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, cho biết hành trình chinh phục đỉnh cao PCI của Quảng Ninh đã trở thành thương hiệu của tỉnh về một “Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”. “Với phương châm “Chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc, chỉ có nhìn về phía trước để tiến lên”, chúng tôi hiểu rõ giành được vị thế, thứ hạng PCI đã khó, giữ vững được vị thế, thứ hạng PCI càng khó khăn hơn” - ông Ký nói.
Danh sách 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI 2022. Ảnh: VCCI |
Theo Bí thư tỉnh Quảng Ninh, nỗ lực cải cách phải đến hằng ngày, không tự chủ quan, tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được; luôn luôn tìm cách tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, thách thức của người dân, doanh nghiệp (DN) với tư duy “chuyển từ quản lý sang phục vụ”. Tỉnh cũng mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong cung cấp các dịch vụ công phục vụ người dân, DN với chất lượng ngày càng tốt hơn.
“Chúng tôi hiểu rõ giành được vị thế, thứ hạng PCI đã khó, giữ vững được vị thế, thứ hạng PCI càng khó khăn hơn.”
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh
Ông Ký cho rằng PCI là những “con số biết nói”, ẩn chứa các động lực thúc đẩy bởi các tác nhân thể chế, thiết chế tổ chức, chuyển đổi số, nhân lực nhưng tất cả đều hội tụ ở nhân tố con người. “Vấn đề quan trọng nhất là người đứng đầu phải nêu gương, làm gương qua hành động thực tế, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” - vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhìn nhận.
Ngoài ra, chính sách thu hút, lựa chọn nhân tài vào bộ máy lãnh đạo, thay thế kịp thời những người không đáp ứng được yêu cầu công việc, gây nhũng nhiễu, phiền hà… cũng là cách để Quảng Ninh luôn được DN đánh giá cao.
Hai đầu tàu kinh tế tụt hạng mạnh
PCI 2022 được thực hiện dựa trên phản hồi thông tin của gần 11.872 DN, trong đó có 10.590 DN tư nhân và 1.282 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.
Điểm đáng chú ý của PCI 2022 là việc tụt hạng của ba TP trực thuộc trung ương. Cần Thơ tụt năm bậc, xuống vị trí 19. Hà Nội tụt 10 bậc, xuống vị trí 20; TP.HCM tụt 13 bậc, xuống vị trí 27.
Vẫn còn tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công sau khi điểm qua tình hình tăng trưởng GDP quý I-2023, nhất là việc DN rút lui khỏi thị trường đã nhận định: “Tình hình kém lạc quan này cũng được phản ánh qua đánh giá niềm tin kinh doanh của các DN tham gia khảo sát PCI 2022. Kết quả chỉ 35% DN tư nhân và 33% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng hai năm tới”.
Một số tín hiệu tích cực được PCI ghi nhận là chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung có chuyển biến, giúp các DN tiết kiệm chi phí tuân thủ; gánh nặng thanh tra, kiểm tra đã giảm đáng kể; tình trạng trả chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm; tính minh bạch có chuyển biến tích cực.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc dự án PCI, lại lo ngại tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính; chất lượng thực thi chính sách ở cấp chính quyền cơ sở còn hạn chế; tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn.
Cũng theo ông Tuấn, trở ngại lớn nhất là việc DN không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp (chiếm 79,4%). Ngoài ra, còn một loạt khó khăn về tiếp cận tín dụng khác có dấu hiệu gia tăng đáng kể trong năm 2022.
Đề cập đến gói hỗ trợ lãi suất 2%, ông Tuấn cho biết theo kết quả PCI 2022, chỉ 29,5% DN biết tới chương trình này. Chỉ khoảng 2% DN cho hay họ đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất này.
“Con số này tương đối thấp và khá sát với những phản ánh liên tục trên báo chí trong thời gian gần đây (đến cuối tháng 12-2022, số tiền lãi đã hỗ trợ mới đạt khoảng 135 tỉ đồng cho hơn 1.700 khách hàng). Đáng lưu ý, có tới 56,7% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ này” - ông Tuấn nói.
Đáng nói hơn, hiệu quả kinh doanh của các DN giảm khi PCI 2022 chỉ ghi nhận 42,6% DN tư nhân có lãi so với 63% năm 2019. Tỉ lệ DN báo lỗ năm 2022 là 35,3%, trong khi năm 2019 chỉ ở mức 23,4%. “Cả hai con số tỉ lệ DN báo lãi hoặc báo lỗ của ba năm gần đây là những chỉ báo cho thấy các DN tư nhân trong nước đã trải qua một quãng thời gian chật vật trong hoạt động kinh doanh” - ông Tuấn nói.•
Hành chính công năm tại chỗ
Chúng tôi tập trung vào việc cải cách hành chính, chuyển đổi số và khắc phục tám điểm nghẽn mà hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Trong đó, tập trung vào các giải pháp nhằm khắc phục những chỉ số thấp điểm của năm 2021, cố gắng nâng cao các điểm chỉ số thành phần trong PCI. Chúng tôi coi trọng giải pháp giảm chi phí, giảm thời gian thực hiện.
Những khó khăn của DN đều được tháo gỡ thông qua việc điều hành hoạt động của tổ phản ứng nhanh, hỗ trợ tối đa cho DN cũng như người dân. Điển hình là việc 100% DN thành lập tại Bắc Ninh thì đều được thực hiện qua công nghệ số chứ không cần đến trực tiếp cơ quan chuyên môn.
Ngoài ra, Bắc Ninh còn thực hiện mô hình năm tại chỗ của trung tâm hành chính công…
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh VƯƠNG QUỐC TUẤN