Doanh nghiệp lại phập phồng lo lắng khi dịch quay trở lại

Những ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận thêm nhiều ca mắc COVID-19 mới, trong đó có nhiều ca cộng đồng. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phập phồng lo lắng.

Sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng

Chia sẻ về những khó khăn hiện tại của DN, chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, thiếu hụt lao động. 

Việc di chuyển giữa các tỉnh còn hạn chế, trong khi lao động đang làm việc tại các khu sản xuất có nguy cơ mắc COVID-19 cao bởi số ca nhiễm trong cộng đồng có xu hướng tăng trở lại.

Cùng quan điểm, đại diện một DN ngành gỗ cho biết đến thời điểm này hầu hết DN sản xuất chế biến ngành gỗ đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là người lao động chậm quay lại nơi làm việc.

“Độ phủ vaccine chưa cao trong khi tình hình ca nhiễm ở một số khu công nghiệp có dấu hiệu gia tăng là nguyên nhân khiến người lao động e ngại quay lại nơi sản xuất” - vị đại diện này chia sẻ.

DN lo sợ phải gồng mình trước nỗi lo bùng dịch dịp cuối năm. Ảnh:SP

Trải qua hơn hai năm chống chọi với COVID-19, hầu hết DN đã ngấm đòn, kể cả những đơn vị có lợi thế chuyển đổi số và hoạt động trên nền tảng công nghệ như thương mại điện tử (TMĐT).

Thực tế, nếu kịch bản giãn cách xảy ra, các đơn vị sản xuất sản phẩm đầu vào ngưng trệ hoạt động thì chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến việc duy trì nguồn hàng ổn định của đơn vị phân phối.

Đại diện một doanh nghiệp dịch vụ logistics chỉ rõ, mặc dù các đơn vị trong ngành vẫn duy trì hoạt động nhưng chi phí vận hành lại tăng cao khiến họ đối mặt với nhiều khó khăn.

"Trở ngại lớn nhất của các DN logistics hiện tại chính là việc vừa phải đảm bảo thời gian giao hàng dự kiến vừa phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc an toàn 5K. Điều này tạo áp lực về cả vật chất lẫn tinh thần cho cả đội ngũ” - vị này chia sẻ.

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát vào dịp cuối năm, một sàn TMĐT cũng bày tỏ lo ngại việc giao nhận hàng hóa sẽ có độ trễ và ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng cũng như các DN sản xuất, cung ứng.

Cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN

Theo kết quả khảo sát nhanh đến ngày 27-10 do Cục Thuế TP Hà Nội thực hiện đối với 28.377 DN trên địa bàn TP, chỉ có 30,4% số DN được hỏi cho rằng đang hoạt động bình thường, tốt; trên 25% DN có khó khăn về tiếp cận nguồn vốn; 30% DN khó khăn do phát sinh chi phí chống dịch; trên 14% DN gặp khó khăn do thiếu nguồn lao động trở lại làm việc sau dịch; trên 20% DN không mua được nguyên liệu hoặc phải mua với giá cao…

Tại hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các DN trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19” vừa được tổ chức, TP Hà Nội cam kết sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cùng DN bứt phá.

Các phương án xoay quanh 3 mục tiêu chính. Một là hỗ trợ DN thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Hai là bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách; nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội.

Thứ ba là chủ trương đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trở lại trạng thái hoạt động bình thường trong thời gian ngắn nhất.

Từ đó, tạo điều kiện để các ngành còn dư địa phát triển tiếp tục tiến lên, đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững.

Tiếp nhận chủ trương này, nhiều DN bày tỏ sự vui mừng. Đồng thời, đề xuất nguyện vọng chính quyền sẽ gia tăng thêm các biện pháp hỗ trợ về phòng chống dịch đặc thù tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tạo điều kiện thuận lợi về mặt lưu thông hàng hóa.

Riêng với TMĐT, các chuyên gia cho rằng dù gặp phải một số khó khăn nhất định nhưng đây vẫn là lĩnh vực cần được hỗ trợ, ưu tiên phát triển về lâu dài.  Lý do TMĐT là xu hướng chung của thế giới và là hình thức mua sắm an toàn, hiện đại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm