Doanh nghiệp lo quy hoạch chung TP Nha Trang 'loại' dự án đã đầu tư hàng trăm tỉ

(PLO)- Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh không hợp thức hóa các sai phạm của nhiệm kỳ trước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-12, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần thứ hai 2023, với sự tham dự của 150 đại biểu.

Đại diện một số doanh nghiệp bày tỏ lo ngại đồ án quy hoạch chung TP Nha Trang sắp tới làm ảnh hưởng đến dự án, thậm chí loại dự án của họ khi đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng.

Loại dự án không đúng quy hoạch

Theo ông Trần Việt Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Crystal Bay, công ty này đã đầu tư bốn dự án ở TP Nha Trang với tổng vốn đầu tư hơn 600 tỉ đồng.

Mới đây, công ty nhận thông báo của UBND tỉnh Khánh Hòa, trong đó có nội dung tỉnh loại bốn dự án này ra khỏi quy hoạch.

“Cách đây 10 năm, công ty đã đầu tư 600 tỉ đồng chưa kể tiền lãi ngân hàng. Nếu quy hoạch chung TP Nha Trang được thông qua sẽ xóa sổ bốn dự án này, doanh nghiệp sẽ thiệt hại nặng nề. Doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh xem xét khi làm quy hoạch trước khi trình Thủ tướng thông qua”- ông Dũng nói.

z4993123992024-82b28cd8fdc35540171aa85a1bf96d1d-1982.jpg
Ông Trần Việt Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Crystal Bay. Ảnh: XUÂN HOÁT

Còn theo ông Vũ Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Vân Phong, dự án của doanh nghiệp ở đường Hoàng Hoa Thám, TP Nha Trang hiện không làm được thủ tục để nâng tổng mức mức đầu từ 300 tỉ đồng lên 1.200 tỉ đồng, vì vướng thủ tục theo chỉ đạo của tỉnh Khánh Hòa.

Dự án của công ty nằm trong danh sách các dự án phải rà soát lại do UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo. Do vậy công ty không thể làm thủ tục nâng vốn điều lệ để vay vốn ngân hàng. Từ đó, không thể hoàn thành và đã phát sinh đơn kiện tranh chấp với các chủ đầu tư thứ cấp"- ông Hải nêu ý kiến.

Trả lời kiến nghị của đại diện Tập đoàn Crystal Bay, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết từ năm 2017 tỉnh cấp phép rất nhiều dự án ở khu vực núi Cô Tiên và khu vực đồi núi ở xã Phước Đồng.

“Khu vực núi ở Cô Tiên và Phước Đồng đã từng xảy ra sạt lở chết rất nhiều người. Trước đây hai khu vực này chưa có quy hoạch 1/2000, chỉ có 1/500 nên các dự án được cấp ở đây bị sai. Sai thì phải khắc phục xử lý. Còn hiện tại phải chấp hành nghiêm các bản đồ quy hoạch, trong đó có sự an toàn của người dân.

Lúc đó rất nhiều dự án cứ vẽ ra rồi cấp cho doanh nghiệp, thậm chí có cả nhà cao hàng chục tầng lấn ra vịnh Nha Trang như của Tập đoàn Crystal Bay. Quy định là không được xâm phạm vịnh Nha Trang và phía Đông đường Trần Phú"- ông Tuân nói.

Cũng theo ông Tuân, hiện quy hoạch chung Nha Trang chưa được Thủ tướng phê duyệt, nên tất cả dự án nằm trong danh sách rà soát phải dừng lại.

“Tỉnh sẽ xem xét, cùng với các doanh nghiệp bàn bạc, trong trường hợp bất khả kháng thì ra tòa. Lúc đó tỉnh sẽ nghiêm túc thực hiện theo phán quyết của tòa. Nói vậy để doanh nghiệp hiểu chúng ta làm lại quy hoạch Nha Trang không phải để hợp thức hóa các sai phạm, mà hướng đến khắc phục, chấp hành nghiêm quy hoạch mà trước đây chưa làm được”- ông Tuân nói.

Theo ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện tỉnh đã làm xong các công việc của đồ án quy hoạch Nha Trang, chỉ chờ Thủ tướng phê duyệt. “Trước khi làm đồ án, tỉnh, các sở ngành rất nhiều lần họp, làm việc liên quan đến các dự án. Do vậy, việc doanh nghiệp kiến nghị không loại bỏ dự án này, dự án kia ra khỏi quy hoạch mới là không thể”- ông Nam thông tin.

dự án-7579.jpg
Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp. Ảnh: XUÂN HOÁT

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói không chỉ các dự án của Công ty CP Đầu tư và phát triển Vân Phong mà hàng chục dự án khác cũng phải rà soát, xem xét để phục vụ công tác quy hoạch sắp tới. “Khi nào quy hoạch được duyệt, tỉnh sẽ căn cứ vào đó để giải quyết từng kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp”- ông Tuân nói.

Phê bình chậm giải quyết thủ tục hành chính

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc giải quyết thủ tục hành chính còn chậm trễ, khiến họ khó khăn trong lập dự án đầu tư.

Ông Nguyễn Tấn Tuân phê bình một số sở ngành vì chậm trễ trong tiếp nhận, xử lý các tục hành chính cho doanh nghiệp.

Theo ông Tuân, thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa rất quyết liệt trong việc rút ngắn thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư. Hiện có bộ phận một cửa rồi, không thể để xảy ra tình trạng nộp hồ sơ lên rồi ngâm một hai tuần rồi trả lại. Tôi cũng đề nghị doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ phải làm đủ, đúng mới trình lên.

z4993124135012-835f62ccc6ba5ff2d64b17bb17dbfbce-4483.jpg
Hội nghị thu hút 150 doanh nghiệp tham gia. Ảnh: XUÂN HOÁT

"Nhân đây tôi đề nghị lãnh đạo các sở, ngành chấn chỉnh ngay việc này. Cái nào chưa đúng, chưa đủ phải hướng dẫn một lần để họ hoàn thành, không thể cứ để doanh nghiệp đi lên, xuống cả chục lần mà chưa xong được. Có doanh nghiệp phản ánh với tôi nộp hồ sơ từ tháng 8, mà đến nay vẫn chưa xong, chưa trình lên chủ tịch tỉnh xem xét, quyết định, như vậy là quá chậm”- ông Tuân nói.

Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa thu hút được 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng mức đăng ký đầu tư khoảng 100.865 tỉ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 18 dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư tăng khoảng 40.167tỉ đồng, chấp thuận đầu tư ba dự án với tổng vốn đầu tư là 2.446 tỉ đồng,

Năm 2023, Khánh Hòa cấp mới giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp cho 1.728 doanh nghiệp, giảm 4,5% so với cùng kỳ, với tổng mức đăng ký 11.942 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Có 1.616 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm