Doanh nghiệp lớn tìm cách giảm giá thịt heo

Ngày 30-3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn để bàn giải pháp giảm giá heo hơi.

Giá thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn rất cao

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo điều hành giá, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt heo luôn ở mức cao. Điều này đã tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), dẫn đến nguy cơ khó có thể kiểm soát lạm phát chung dưới 4% theo chỉ tiêu của Quốc hội giao. Từ giữa tháng 3 đến nay, giá heo hơi đã có chiều hướng giảm xuống nhưng vẫn còn ở mức cao.

Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã liên tục tổ chức nhiều cuộc họp và trực tiếp đến làm việc với các DN chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh và giảm giá bán heo thịt. Kết quả, các công ty chăn nuôi lớn như Công ty C.P Việt Nam, Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed… đã phối hợp, đồng hành với Chính phủ và bán với giá 73.000-76.000 đồng/kg heo hơi. Tuy nhiên, còn một số công ty chưa phối hợp thực hiện việc giảm giá bán heo thịt.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, cho biết thời gian qua công ty đã điều chỉnh mức giá heo hơi 80.000-85.000 đồng/kg xuống mức 73.000-75.000 đồng/kg. Dù giá heo đã giảm nhưng trên thực tế giá thịt heo đến tay người tiêu dùng vẫn ở mức rất cao.

“Chúng tôi bán giá heo hơi ở mức 75.000 đồng/kg. Qua giết mổ, bán tới tay người tiêu dùng mức giá lẽ ra chỉ khoảng 100.000 đồng/kg. Thế nhưng trên thực tế, giá thịt heo bình quân tới tay người tiêu dùng lên đến 140.000 đồng/kg. Mức giá này vẫn còn rất cao” - ông Tuấn đánh giá.

Theo ông Tuấn, từ thực tế này cho thấy cần có cơ chế quản lý, hạn chế bớt khâu trung gian để giá heo đến tay người tiêu dùng không bị leo lên quá cao. “Để giảm bớt khâu trung gian, thời gian tới C.P Việt Nam sẽ đẩy mạnh bán thịt heo trực tiếp tới tay người tiêu dùng. Cạnh đó xúc tiến triển khai liên kết với các nhà máy giết mổ chế biến để đưa ra thị trường sản phẩm thịt mát” - ông Tuấn nói.

Ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin, cũng cho hay thời gian qua tập đoàn và các DN đều rất chung tay với định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Về việc giá heo vẫn ở mức cao, ông Lương cho rằng đây là vấn đề về cung cầu và khâu trung gian nhiều chi phí, cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn.

Ông Lương đề xuất: “Chúng tôi kiến nghị với Phó Thủ tướng, Bộ NN&PTNT cần phải cân bằng ổn định về cung cầu. Đề nghị Chính phủ ban hành nghị định chuyên đề về phát triển chăn nuôi heo trong thời gian tới. Lý do là ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam đã trải qua thời gian dài khủng hoảng từ giá đến dịch bệnh, dẫn tới tâm lý của các hộ chăn nuôi e ngại việc tái đàn, tăng đàn thời gian qua và sắp tới”.

Cùng với Công ty C.P, Mavin, đại diện của nhiều đơn vị khác có mặt tại buổi làm việc như Công ty CJ Vina, Dabaco, Japfa Comfeed, Emivest… cũng cam kết sẽ điều chỉnh đồng loạt giảm giá heo hơi về mức 70.000 đồng/kg kể từ ngày 1-4 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Hàng loạt công ty cam kết trước mắt giảm giá heo hơi còn 70.000 đồng/kg, sau đó sẽ tiếp tục giảm. Ảnh: AN HIỀN

Đảm bảo cung ứng đủ thịt heo

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh việc giảm giá heo không đơn giản là nhiệm vụ kinh tế, mà đây còn là nhiệm vụ chính trị. Các công ty lớn phải hứa với Thủ tướng Chính phủ, hứa với người dân là tiên phong giảm giá thịt heo.

“Hôm nay có đại diện 15 DN đều hứa trước mắt đầu tháng 4 sẽ giảm giá heo hơi xuống 70.000 đồng/kg để tiến tới tiếp tục giảm trong thời gian tới. Đây là nhiệm vụ chính trị, thể hiện trách nhiệm rất cao của các DN chăn nuôi” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Hài hòa lợi ích các bên

Việc đưa giá heo xuống mức hợp lý không chỉ đảm bảo kiềm chế tăng giá tiêu dùng chung của cả nước; hài hòa giữa lợi ích người chăn nuôi, người tiêu dùng, mà căn bản hơn nhằm giữ được thị trường thịt heo một cách bền vững.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT NGUYỄN XUÂN CƯỜNG 

Để làm được, Phó Thủ tướng cho rằng cần tăng nguồn cung để phù hợp nhu cầu của thị trường. Muốn vậy, Bộ NN&PTNT phải phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để xây dựng kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi nói chung, trong đó có chăn nuôi heo. Việc tăng mạnh đàn heo trong thời gian tới không được làm mất cân đối cung cầu cả trong ngắn hạn và dài hạn. Bởi bài học giải cứu thịt heo những năm trước đến nay vẫn còn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải đảm bảo cung ứng đủ thịt heo trong mùa dịch. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thịt, gây hoang mang thị trường”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các DN chăn nuôi heo tăng cường kiểm soát giá của chuỗi cung ứng thịt heo trên thị trường vì như phản ánh, chi phí khâu trung gian đang chiếm đến 40%. Đồng thời kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm hàng, ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung thịt heo và ảnh hưởng tới thị trường thịt heo. Các cơ quan chức năng phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng xuất nhập khẩu thịt heo trái phép.

Nhập khẩu thịt heo tăng hơn 300%

Theo báo cáo của các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 39.191 tấn thịt heo, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thị trường nhập khẩu thịt chủ yếu từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Nga.

Riêng về thị trường Nga, từ cuối tháng 1-2020 đến nay, Tập đoàn Miratorg đã làm thủ tục xuất khẩu hơn 3.400 tấn thịt heo thông qua 15 DN Việt Nam. Đến ngày 18-3, các lô hàng đã về đến cảng của Việt Nam và bắt đầu cung cấp ra thị trường.

Hiện nay, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 lây lan diện rộng, các nước ngừng nhập cảnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các DN Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu để tổ chức nhập khẩu thịt heo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ra khỏi cổng bán giá cao hơn 10.000 đồng/kg

Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương tổ chức kiểm soát giá của chuỗi cung ứng heo thịt và thịt heo ở thị trường. Vì thời gian qua, các DN chăn nuôi lớn đã giảm giá xuất bán xuống mức gần 70.000 đồng/kg heo hơi nhưng thương lái sau khi mua và vận chuyển ra khỏi cổng của DN có thể bán với giá cao hơn 10.000 đồng/kg. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm