Kỳ 1: Nhường sân cho nước ngoài
TT - Trong khi doanh nghiệp trong nước co cụm, chật vật bươn chải để tồn tại thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại tăng tốc mở rộng sản xuất, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Một doanh nghiệp may xuất khẩu tại Q.Gò Vấp, TP.HCM phải thu hẹp sản xuất do khó tiếp cận vốn rẻ, hàng tồn kho cao - Ảnh: Đ.Dân
Dệt may, da giày, nhựa, cơ khí..., nhiều người cứ ngỡ đó là những ngành VN có thế mạnh do nguồn nhân công rẻ, kỹ thuật đơn giản, thế nhưng thời gian qua kim ngạch xuất khẩu gia tăng chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chỉ tính riêng việc gia tăng vốn đầu tư trong mười tháng năm 2012, cả nước có 359 lượt dự án FDI đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,8 tỉ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ 2011.
Ồ ạt tăng vốn, mở rộng nhà máy
Những ngày này, tại Công ty TNHH Sài Gòn Precision (KCX Linh Trung I, Thủ Đức, TP.HCM, 100% vốn Nhật, hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác) hàng ngàn công nhân gấp rút với những đơn hàng mới, lãnh đạo công ty cũng tất bật với chiến lược mở rộng nhà máy sau khi vừa tăng vốn thêm 25 triệu USD.
“Nhu cầu về sản phẩm cơ khí chính xác, kỹ thuật cao khá lớn, vì vậy đợt tăng vốn lần này của chúng tôi nhằm mở rộng nhà máy thêm hai chuyền sản xuất chi tiết của khuôn dập, khuôn ép nhựa trên diện tích 2.500m²” - ông Nguyễn Minh Tuyền, trưởng phòng hành chính quản trị Công ty Sài Gòn Precision, nói. Hiện Precision đã có ba nhà máy với 2.000 công nhân đang hoạt động tại KCX Linh Trung. Khi nhà máy mới đầu tư 25 triệu USD đi vào hoạt động vào tháng 8-2013 sẽ tuyển khoảng 250 công nhân nữa.
Công ty TNHH Nobland VN cũng vừa quyết định tăng vốn thêm 17 triệu USD và triển khai thêm 11.000m² tại KCN Tân Thới Hiệp (Q.12) để mở rộng các chuyền may. Theo ông Lee Ho Young - trưởng phòng nhân sự Nobland, công ty “mẹ” ở Hàn Quốc hiện có công ty sản xuất ở Trung Quốc, Indonesia nhưng so với những nước này, VN có nhiều thuận lợi hơn trong môi trường đầu tư, sản xuất nên đã quyết định mở rộng sản xuất tại VN. Hiện Nobland VN có 72 chuyền may với 5.500 công nhân đang làm việc.
Không chỉ có Nobland VN, các công ty dệt đến từ Trung Quốc và Đài Loan đang “nở nồi” khá nhanh. Ngày 31-10-2012, Công ty dệt Formosa đã công bố tăng vốn đầu tư thêm 30 triệu USD. Hay Công ty cổ phần dệt Texhong (Nhơn Trạch, Đồng Nai) cũng vừa tăng quy mô sản xuất từ 30.000 tấn sản phẩm/năm lên 150.000 tấn sản phẩm/năm, kèm tuyên bố tăng vốn đầu tư từ 80 triệu USD lên 150 triệu USD.
Bà Đặng Thị Phương Dung, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), cho biết trong hơn 12 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu mười tháng đầu của năm 2012, khối doanh nghiệp FDI ước chiếm khoảng 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Vitas, khối doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc hiện đang dẫn đầu về số vốn đầu tư lẫn số doanh nghiệp hoạt động tại VN trong lĩnh vực dệt may, trong đó đầu tư nhiều nhất vẫn nghiêng về ngành may, chứ không đi sâu vào lĩnh vực hạ tầng “khó nuốt” như dệt, nhuộm, kéo sợi... Điều này cũng thể hiện sự “khôn ngoan” trong định hướng đầu tư khi chủ trương “đánh nhanh, rút gọn” nhưng thật sự mang lại lợi nhuận rất cao.
Ông Nguyễn Tấn Phước, phó Ban quản lý các KCX - KCN TP.HCM (Hepza), cho biết các doanh nghiệp nước ngoài hiện có mở rộng đầu tư sản xuất, trong đó nhiều doanh nghiệp da giày, may mặc, lắp ráp điện tử... có xu hướng mở rộng quy mô về các tỉnh. “Họ có tầm nhìn chiến lược, có năng lực tài chính cực mạnh, có sự linh hoạt trong khả năng điều tiết khu vực sản xuất do kinh doanh theo tính chất toàn cầu, nên việc họ chiếm tỉ trọng lớn trong cán cân xuất khẩu là điều hiển nhiên” - ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), nhận định.
Với tốc độ tăng trưởng của ngành da giày năm năm gần đây ở mức 12-15%/năm, thì khối doanh nghiệp FDI có mức tăng trưởng đến 16-18%/năm, cao hơn khá nhiều so với tỉ lệ tăng trưởng khiêm tốn 10-12%/năm của khối doanh nghiệp trong nước ở lĩnh vực này.
Tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước của mười tháng năm 2012 so với những năm trước - Nguồn: Tổng cục Thống kê - Ảnh: Thuận Thắng - Đồ họa: Như Khanh
Cạnh tranh giá, ngầm thâu tóm
Khi Tập đoàn Thép Posco (Hàn Quốc) đưa vào hoạt động nhà máy thép cán nguội công suất 1,2 triệu tấn/năm, có vốn đầu tư 528 triệu USD tại KCN Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), đã tạo sự cạnh tranh khốc liệt về chính sách giá đối với các doanh nghiệp sản xuất cùng chủng loại trong nước.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, do công suất sản xuất lớn, Posco VN hiện chiếm xấp xỉ 50% thị phần thép cán nguội trong nước, đã gây không ít khó khăn cho hai doanh nghiệp trong nước sản xuất là Nhà máy thép Phú Mỹ (thuộc Tổng công ty Thép VN - VNSteel) và Công ty cổ phần thép tấm lá Thống Nhất (VNSteel là cổ đông lớn nhất, chiếm 31,25%).
“Với công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu ở mức tối ưu, sản phẩm làm ra của các doanh nghiệp FDI có giá bán rất cạnh tranh so với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, kể cả khối liên doanh, nên thị phần của họ chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới” - ông Nghi bình luận.
Không chọn chiến lược cạnh tranh giá bán để gia tăng thị phần, The Nawaplastic Industry (Saraburi) Co. Ltd - công ty chuyên sản xuất và phân phối ống nhựa PVC, do Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC) nắm 100% cổ phần - lại chọn cách âm thầm gom cổ phiếu trên sàn của hai “đại gia” ngành nhựa xây dựng lớn nhất trong nước là Công ty cổ phần nhựa Bình Minh (BMP) và Công ty cổ phần nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP).
Theo số liệu công bố công khai, hiện Saraburi đang nắm hơn 7 triệu cổ phiếu của BMP (chiếm 20,5%) và khoảng 9,8 triệu cổ phiếu của NTP (chiếm 9,86%), trở thành cổ đông lớn thứ hai tại hai doanh nghiệp này, sau Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước(SCIC). Ai cũng biết Nhựa Tiền Phong chiếm 70% thị trường nhựa xây dựng miền Bắc, trong khi Nhựa Bình Minh chiếm 50% ở miền Nam. Do đó, nếu TPC tiếp tục nâng tỉ lệ sở hữu tại hai công ty này trong thời gian tới thì chắc chắn thị trường nhựa xây dựng sẽ bị doanh nghiệp Thái chi phối.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Doanh - chủ tịch HĐQT BMP - cho hay hiện Saraburi chưa hề có bất kỳ động thái nào cho việc can thiệp vào nội bộ sản xuất, điều hành lẫn quản lý của BMP. Tuy nhiên, nếu sắp tới tỉ lệ nắm giữ cổ phần của Saraburi tiếp tục tăng lên, “đương nhiên chúng tôi phải chấp nhận. Vì một khi họ đã có ý định thâu tóm, chứ không phải hợp tác cùng phát triển, và mình không đủ năng lực trong việc quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất thì phải chấp nhận để cho họ tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp” - ông Doanh thừa nhận.
Đáng chú ý, TPC hiện có 45% cổ phần do Tập đoàn Siam Cement (SCG) của Thái Lan nắm giữ. SCG hiện diện tại khoảng 30 thị trường, trong đó có VN, với hàng trăm công ty con về nhựa, hóa chất, giấy, vật liệu xây dựng, phân phối - vận chuyển và đầu tư tài chính. Tại VN, lĩnh vực nhựa và hóa chất hiện mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho tập đoàn này. Có thể dự báo, tham vọng của SCG không chỉ dừng lại ở ngành nhựa xây dựng mà còn mở rộng ra nhiều ngành khác và hướng đến một chuỗi trong lĩnh vực xây dựng.
Cơ hội có chờ?
Theo ông Diệp Thành Kiệt, sự bùng nổ đầu tư của các doanh nghiệp FDI thời gian qua gần như là sự tất yếu, đặc biệt trong hai lĩnh vực xuất khẩu then chốt của VN hiện nay là dệt may và da giày. Các doanh nghiệp FDI hiện chiếm 60-70% sản lượng cung ứng giày, quần áo cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới, phần còn lại do các doanh nghiệp trong nước đảm nhận.
Với tầm nhìn chiến lược dài hạn, sở hữu quy trình công nghệ sản xuất cho năng suất lao động cao, kỹ thuật tổ chức, thiết lập hệ thống hạ tầng sản xuất với thiết bị được chuyên môn hóa ở mức cao nhất, các doanh nghiệp FDI đã đón đầu và “chọn các quốc gia mang lại cho họ lợi thế về thuế suất xuất khẩu, hưởng được các chính sách từ những hiệp định thương mại mang lại để đặt nhà máy sản xuất” - ông Kiệt phân tích.
Rõ ràng, cho dù các DN trong nước cũng thấy các cơ hội đang ở phía trước, nhưng với những hạn chế nhất định, trong đó yếu nhất vẫn là tiềm lực vốn, năng lực cạnh tranh kém vì phải gánh chịu lãi suất ngân hàng cao, năng suất lao động vẫn còn thấp nên dư địa phát triển của khối doanh nghiệp FDI trong thời gian tới tiếp tục tăng cao gần như là chắc chắn.
Trong nước co cụm Trái với cảnh mở rộng nhà xưởng của khối doanh nghiệp nước ngoài, cùng trong một lĩnh vực nhưng các doanh nghiệp trong nước lại phải thu hẹp sản xuất. Tại Nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu K (TP.HCM), không khí sản xuất đìu hiu hẳn so với cách đây một năm trước. Từ một doanh nghiệp có tới năm chuyền sản xuất giày dép với hơn 7.000 công nhân, nhưng từ năm ngoái hai chuyền đầu tiên phải dẹp vì thiếu đơn hàng. Đến tháng 8-2012, thêm một chuyền cũng lặng lẽ “lên đường”. “Giờ công ty tôi chỉ còn hai chuyền may hoạt động và công nhân cũng chỉ còn khoảng 2.000 người. Nếu kinh tế tiếp tục khó khăn, lãi suất ngân hàng cứ đà này thì doanh nghiệp chúng tôi còn chết nữa” - ông Đ.V., tổng giám đốc Công ty K, buồn bã nói. Theo Sở KH-ĐT TP.HCM, tính đến cuối tháng 10-2012, đã có 100 doanh nghiệp FDI tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm hơn 691 triệu USD, tăng 174% so với cùng 2011. Trong khi tại Bình Dương đã có 66 dự án FDI tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm khoảng 680 triệu USD, riêng các doanh nghiệp FDI trong các KCN số vốn trên tăng 42% so với cùng kỳ 2011. |
Những vụ mua bán, sáp nhập lớn giữa công ty Nhật và Việt Nam 1. Quỹ DIAIF thông báo đã mua 25% cổ phần của Nutifood. 2. Công ty Daio Paper Corporation (Daio) và Quỹ đầu tư BridgeHead (thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản) đã nắm giữ 48% cổ phần của Giấy Sài Gòn. 3. Tập đoàn Unicharm đã mua lại 95% cổ phần của Diana. 4. Tập đoàn Nhật Sojitz mua 51% cổ phần Công ty cổ phần thương mại - dịch vụ - sản xuất Hương Thủy, một công ty bán lẻ thực phẩm lớn tại VN. Công ty có mạng lưới vận chuyển trên toàn quốc với 12 cơ sở trung chuyển, chuyên cung cấp thực phẩm và đồ uống cho khoảng 40.000 cửa hàng. 5. Công ty Veglia Laboratories cùng một đối tác Nhật Bản khác mua lại 20% cổ phần của Công ty Viet Esco - một công ty trực thuộc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM. 6. Kmix - một công ty gia đình chuyên về bảo trì cao ốc và đường bộ - đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Huy Bảo bằng việc đầu tư mua 45% cổ phần của công ty này ở TP.HCM. 7. Nichirei Foods mua 19% cổ phần của Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex. Cholimex là một công ty sản xuất hàng tiêu dùng, và đây là ngành có số lượng các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) nhiều nhất. 8. Công ty Ezaki Glico - hãng sản xuất bánh kẹo và thực phẩm của Nhật - đã mua 14 triệu cổ phiếu của Công ty Kinh Đô (tương đương 10% vốn cổ phần) nhằm chuẩn bị đưa các sản phẩm Glico thâm nhập thị trường VN. 9. SBI Holdings mua lại phần vốn từ các cổ đông sáng lập của FPT Capital để nâng tỉ lệ nắm giữ tại công ty này lên mức tối đa là 49%. 10. Kirin Holdings - một doanh nghiệp đồ uống của Nhật Bản - đã mua lại toàn bộ phần vốn của Trade Ocean Holdings, công ty mẹ của CTCP thực phẩm Quốc tế (IFS). Qua đó, Kirin gián tiếp nắm giữ 57% cổ phần của IFS. 11. Suntory - tập đoàn đồ uống của Nhật - thâu tóm 51% cổ phần của PepsiCo tại VN. K.VÂN |
(còn tiếp)
Theo Đình Dân - Trần Vũ Nghi (Tuổi Trẻ)