Xét xử vụ “chuyến bay giải cứu”:

Doanh nghiệp nói bị ép đưa tiền mới được cấp phép bay

(PLO)- Một bị cáo là chủ doanh nghiệp khai trước tòa nguyên nhân phải đưa hối lộ là do bị ép, không đưa thì bị rơi vào tình thế khó khăn cùng cực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-7, TAND TP Hà Nội mở phiên xử sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Đây là vụ án đặc biệt quan trọng, các bị cáo lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, lợi dụng nỗi lo sống chết của người dân, bất chấp quy định của pháp luật nhận tiền hối lộ. Tổng số tiền nhận hối lộ trong vụ án lên tới 165 tỉ đồng.

Lợi dụng chủ trương của Nhà nước để nhận hối lộ

Cụ thể, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và diễn biến phức tạp, người dân có nhu cầu về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn. Tháng 11-2020, Chính phủ đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay đưa công dân về nước, người về nước tự nguyện trả phí toàn bộ.

Về thủ tục, Chính phủ giao Tổ công tác của Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao (sau đó bổ sung Bộ Công an) cùng phối hợp tổ chức các chuyến bay.

Lợi dụng chủ trương trên, một số cá nhân ở các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế… và một số địa phương như Hà Nội, Quảng Nam được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số đối tượng khác đã thực hiện hành vi phạm tội.

Trong vụ án này, nhiều bị cáo bị truy tố tội nhận hối lộ là quan chức cấp cao trong các bộ, ngành. Tại Bộ Ngoại giao, có hai cựu thứ trưởng vướng vòng lao lý. Trong đó, bị cáo Tô Anh Dũng, khi xảy ra vụ án là thứ trưởng Bộ Ngoại giao được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Theo cáo buộc, biết được vai trò của ông Dũng, từ tháng 5-2020 đến tháng 1-2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ ông Dũng giải quyết cấp phép chuyến bay và được ông Dũng đồng ý. Trong quá trình thực hiện, ông Dũng 37 lần nhận hối lộ của các doanh nghiệp với tổng số tiền 21,5 tỉ đồng.

Còn bị cáo Vũ Hồng Nam có hành vi phạm tội khi đang là đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản. Bị cáo bị khởi tố, bắt tạm giam khi là thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tháng 10-2020, Lê Văn Nghĩa, giám đốc Công ty Nhật Minh, đã liên hệ với ông Nam đặt vấn đề và được ông Nam đồng ý giúp cho Công ty Nhật Minh bán vé máy bay, đưa công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước cách ly tại khách sạn của Nghĩa ở Khánh Hòa.

Sau đó, ông Vũ Hồng Nam xin phê duyệt sáu chuyến bay combo, đưa khoảng 1.490 công dân từ Nhật Bản về nước, giao cho Công ty Nhật Minh của Lê Văn Nghĩa tổ chức thực hiện. Công ty Nhật Minh đã hai lần đưa cho Vũ Hồng Nam với số tiền 1,8 tỉ đồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, được giao quản lý, phụ trách chung toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay; trực tiếp báo cáo ông Tô Anh Dũng duyệt, ký công văn đề xuất cho các doanh nghiệp tham gia tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước.

Từ tháng 5-2020 đến tháng 1-2022, tám cá nhân là đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, đưa tiền để được cấp phép chuyến bay nhanh chóng. Tổng cộng bà Hương Lan đã nhận hối lộ 33 lần với số tiền hơn 25 tỉ đồng.

Bị cáo Đào Minh Dương (chủ tịch Công ty Vijasun) trả lời HĐXX ngày 11-7. Ảnh: BT

Bị cáo Đào Minh Dương (chủ tịch Công ty Vijasun) trả lời HĐXX ngày 11-7. Ảnh: BT

“Đòi tiền” ngay trong phòng họp của Bộ Y tế

Một bị cáo “đặc biệt’’ khác trong vụ án là Phạm Trung Kiên, khi đó chỉ là thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nhưng đã nhận hối lộ 253 lần với số tiền 42,6 tỉ đồng.

Phạm Trung Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cáo trạng quy kết khi thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi 50-200 triệu đồng/chuyến bay hoặc từ 500.000 đến 2 triệu đồng/hành khách. Đối với khách lẻ, chi phí này là 7-15 triệu đồng/người.

Là người bị thẩm vấn đầu tiên tại tòa, bị cáo Đào Minh Dương (chủ tịch Công ty Vijasun) khai quá trình nộp hồ sơ cấp phép, ban đầu bị cáo không đưa tiền và bị gây khó khăn.

Bị cáo bị từ chối cấp phép rất nhiều lần. Bà Hương Lan gây khó dễ, ép phải đưa tiền. “Ban đầu bị cáo nhất quyết không đưa tiền thì bị đưa vào tình thế khó khăn cùng cực’’ - bị cáo Dương khai.

Sau khi bị gây khó khăn, bị cáo có đến gặp Phạm Trung Kiên. Ông Kiên yêu cầu muốn tổ chức chuyến bay thì phải nộp 150 triệu đồng/chuyến bay, không có thì không được phê duyệt.

Theo lời khai của bị cáo Dương, khi đến gặp bị cáo Kiên thì chứng kiến bị cáo Kiên quát trong phòng họp của Bộ Y tế: “Các anh nộp cho anh Tuấn (Vũ Anh Tuấn, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an - PV) bao nhiêu thì nộp cho tôi như thế”. Vì thế mỗi chuyến bay bị cáo phải nộp tiền cho bị cáo Kiên.

“Khi tôi gặp anh Vũ Anh Tuấn thì anh Tuấn bảo “em không phải người ký, anh không nộp tiền thì sếp không ký’’” - Dương khai.

Bị cáo Dương nói rằng công dân về nước thì phải thu dọn đồ đạc, trả nhà chuẩn bị nhiều thứ nhưng cấp phép như thế thì người dân bị hành hạ, không bảo hộ công dân.

Trả lời HĐXX, một số bị cáo là chủ doanh nghiệp cũng khai rằng bị gây khó dễ khi xin cấp phép chuyến bay. Do đó, họ phải chi tiền cho nhiều cá nhân ở tổ năm bộ.

Chẳng hạn bị cáo Phan Thị Mai, giám đốc Công ty Sao Hà Nội, đã liên hệ đặt vấn đề và đưa hối lộ cho bảy cá nhân có thẩm quyền như Vũ Anh Tuấn, Phạm Trung Kiên, Tô Anh Dũng... Tổng số tiền bị cáo đưa là 2,3 tỉ đồng.

Tuy nhiên cũng có bị cáo nhóm doanh nghiệp khai tự nguyện đưa tiền cảm ơn. Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh, giám đốc Công ty G19, khai rằng có gặp gỡ một số bị cáo quan chức để nhờ giúp đỡ.

Bị cáo khai: “Khi đưa quà, tôi đều gói kín, để dưới đáy túi, bên trên có đồ khác. Tôi đưa quà cho các anh như anh Tô Anh Dũng là để cảm ơn. Thực sự là tình cảm. Mọi người đều từ chối nhưng tôi đã cố tình làm”.•

Mỗi vé máy bay phải nộp cho đại sứ 3 triệu đồng

Đối với trường hợp đưa tiền hối lộ cho bị cáo Vũ Ngọc Minh (cựu đại sứ Việt Nam tại Angola), bị cáo Đào Minh Dương khai khi đó Công ty Vijasun có một chuyến bay từ Angola về. Do Angola không có hãng hàng không của Việt Nam hoạt động nên bị cáo Dương phải nhờ đại sứ quán liên hệ để có chuyến bay.

Ông Minh đưa ra ba điều kiện là Công ty Vijasun phải đưa ông Minh xem danh sách, danh sách phải được ông Minh đồng ý mới bán vé, mỗi vé đưa ông Minh 3 triệu đồng. Tổng cộng bị cáo Dương đã đưa ông Minh 864 triệu đồng.

Quá trình điều tra, Đào Minh Dương và gia đình đã nộp 600 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm