“Công an huyện Phú Hòa, Phú Yên đã hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của gần 120 hộ dân trong huyện. Các hộ dân này đã bị Công ty TNHH Vạn Phát (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) chiếm dụng đất trái phép, ngăn cản sản xuất” - ông Lê Ngọc Tính, Quyền Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, nói với Pháp Luật TP.HCM hôm 24-10.
Phá tan hoang hoa màu của dân
Theo phản ánh của người dân, đầu năm 2014 gần 120 hộ dân ở xã Hòa Hội được UBND huyện Phú Hòa giao hơn 82 ha đất sản xuất nông nghiệp với thời hạn 20 năm. Thế nhưng từ đó đến nay, khi người dân tổ chức sản xuất, trồng mía, sắn, hoa màu trên diện tích đất được cấp thì Công ty Vạn Phát cho người và phương tiện đến ngăn cản, san ủi.
Ông Nguyễn Văn Hưng (thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội) cho hay gia đình ông gom góp tiền bạc mua cây giống về trồng trên khu đất 8.600 m2
do UBND huyện cấp. Tuy nhiên, khi mía, sắn vừa mọc lên thì Công ty Vạn Phát cho hàng chục người cùng xe ủi đến phá tan hoang. Sau đó Công ty Vạn Phát cho trồng mía ngay trên khu đất của gia đình ông Hưng. “Tôi đã nhiều lần báo chính quyền địa phương. Họ có đến lập biên bản nhưng cũng không giải quyết được gì. Vợ chồng tôi chỉ biết đứng nhìn đám đất của mình mà khóc. Hiện nay, hằng ngày vợ chồng tôi phải đi làm thuê sống qua ngày chứ không thể canh tác, sản xuất trên phần đất được giao” - ông Hưng bức xúc.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, có tới 118/119 hộ được giao đất bị Công ty Vạn Phát cản trở, dùng xe cày phá hoa màu. “Ngay từ khi UBND xã phối hợp với Sở TN&MT cắm mốc giao đất cho người dân, Công ty Vạn Phát đã cho máy cày phá các mốc giới. Chỉ duy nhất một hộ trồng được mía vì họ có hợp đồng bán mía cho Công ty Vạn Phát” - ông Tỉnh nói.
Ông Nguyễn Văn Hưng trên khu đất của mình đang bị Công ty Vạn Phát chiếm dụng trái phép để trồng mía. Ảnh: TẤN LỘC
Chính quyền thiếu cương quyết
Ông Lê Ngọc Tính khẳng định Công ty Vạn Phát không liên quan gì đến diện tích đất nhưng khi người dân sản xuất, công ty này ngăn cản, phá nát hoa màu rồi chiếm dụng trái phép. “Lãnh đạo công ty này liên tục có hành vi thách thức người dân và chính quyền địa phương” - ông Tính nói.
Đáng nói, khi người dân sản xuất trên đất của mình thì Công ty Vạn Phát đứng ra lập “biên bản vi phạm”. Trong các biên bản này, bà Bùi Thị Quy, Giám đốc Công ty Vạn Phát, nêu ý kiến đây là đất của bà, đã được UBND tỉnh cấp đến năm 2050. “Công ty Vạn Phát đã đầu tư hơn 17 tỉ đồng để khai hoang, cải tạo. Nếu tỉnh Phú Yên không bồi thường thỏa đáng thì chúng tôi cương quyết tiếp tục sử dụng đất” - ý kiến bà Quy trong biên bản.
Tuy vậy, ông Tính cho hay diện tích đất trên trước đây tỉnh cho một doanh nghiệp ở TP.HCM thuê đất theo hình thức trả tiền hằng năm, không được phép chuyển quyền sử dụng đất. Do công ty này không tổ chức sản xuất như cam kết mà sang nhượng cho Công ty Vạn Phát nên năm 2007 tỉnh thu hồi. “Thời điểm đó, UBND tỉnh Phú Yên cũng có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng, không công nhận các nội dung khiếu nại của Công ty Vạn Phát” - ông Tính nói.
Trả lời câu hỏi vì sao chính quyền không có biện pháp kiên quyết nhằm đảm bảo người dân được sản xuất trên đất mình, ông Tính thừa nhận: “Chính quyền đã thiếu cương quyết nên sự việc kéo dài như vậy. Sắp tới, cùng với việc xử lý các vi phạm của Công ty Vạn Phát, chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh, cương quyết bảo vệ quyền lợi của người dân. Dự kiến trong tháng 11, chúng tôi sẽ cắm lại ranh mốc và giao đất cho người dân sản xuất”.
Toàn bộ diện tích đất trên vốn được UBND tỉnh Phú Yên cho Công ty TNHH Hải Vân (huyện Củ Chi, TP.HCM) thuê từ năm 2000 để trồng mía, ca cao. Công ty Hải Vân được thuê đất theo hình thức trả tiền hằng năm. Trong hợp đồng thuê đất giữa tỉnh Phú Yên và Công ty Hải Vân cũng ghi rõ công ty này không được chuyển giao khu đất thuê cho tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, Công ty Hải Vân không sản xuất như cam kết mà tự ý sang nhượng cho Công ty Vạn Phát, thể hiện dưới hình thức hợp đồng hợp tác trồng mía để tránh nộp thuế. Ngày 11-10-2007, UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định hủy bỏ hiệu lực các quyết định, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Công ty Hải Vân. Tỉnh cũng thu hồi toàn bộ diện tích đất trên và giao UBND xã Hòa Hội quản lý. Năm 2014, UBND huyện Phú Hòa ra quyết định giao hơn 82 ha cho 119 hộ dân xã Hòa Hội. |