“Tình trạng vi phạm quản lý đất đai của nông, lâm trường rất phức tạp, có nhiều nguyên do, thêm vào đó cán bộ mình cũng tham gia vào đây nên khó xử lý lắm. Ai xử ai đây, ông nhỏ xử ông lớn ư? Khó lắm!”. Đại biểu (ĐB) Y Thông (Phú Yên) đã nêu ý kiến như thế tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh (giai đoạn 2004-2014) do đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức ngày 27-8.
Quan xây biệt thự ở đất rừng, xử nghiêm chưa?
“Việc thực hiện sắp xếp đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh có chuyện quỹ đất và tài sản của Nhà nước thất thoát nghiêm trọng” - ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu vấn đề. Cũng theo ông Sinh, hiện thực trạng đất đai tại nông, lâm trường đang rất “hỗn loạn” như tình trạng tranh chấp, chiếm dụng, thâu tóm đất đai, sử dụng trái mục đích sử dụng đất tràn lan, Nhà nước không thu được tiền thuê đất…
ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) thì nêu lên một vấn đề cụ thể hơn đó là tình trạng lấn chiếm đất nông, lâm trường xây nhà lầu, biệt thự. “Vừa qua dư luận bức xúc trước biệt thự hoành tráng của quan chức, đại gia mọc lên ngang nhiên trong đất của nông, lâm trường, rừng quốc gia. Họ toàn là những người có quyền, có tiền. Vậy trách nhiệm quản lý của các bộ đến đâu khi để xảy ra tình trạng trên?” - ĐB Huệ hỏi.
Liên quan đến vấn đề biệt thự của quan chức, đại gia mọc trên đất nông, lâm trường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Mọi trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm. Không biết thì việc đã rồi nhưng giờ biết thì phải rà soát lại để xử lý nghiêm bất kể là ai”. Theo ông Phát, Bộ có trách nhiệm là chưa đôn đốc, kiểm tra hết. Việc này bộ chủ yếu quản lý bằng cơ chế chính sách, trách nhiệm chính phải là chính quyền địa phương vì “địa phương ở sát đó, biệt thự mọc lên phải nhìn thấy chứ!” - ông Phát nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “Mọi trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm. Không biết thì việc đã rồi nhưng giờ biết thì phải rà soát lại để xử lý nghiêm bất kể là ai”. Ảnh: T.PHÚ
Chưa khởi tố vụ vi phạm nào
Liên quan đến việc xử lý các sai phạm về đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh thời gian qua, ĐB Nguyễn Thị Khá đặt vấn đề: “Báo cáo của Thanh tra Chính phủ gửi đoàn giám sát nói thực hiện tám cuộc thanh tra về đất đai ở nông, lâm trường, cuộc nào cũng có kết luận và chỉ đạo của Thủ tướng. Đến nay các tỉnh đã thực hiện kết luận này thế nào? Trách nhiệm thanh tra ở đâu? Đã kiến nghị đưa trường hợp nào xử lý chưa? Hay chỉ thanh tra xong để đấy!”.
Giải trình về việc này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cho biết: “Tám cuộc thanh tra trên thực hiện ở năm địa phương và ba tổng công ty. Nhưng đây không phải là thanh tra chuyên đề riêng về nông, lâm trường. Kết quả đã xử lý 64 cán bộ, cao nhất là cách chức. Nhưng chưa trường hợp nào bị khởi tố”.
Theo ông Hào, lý do chưa khởi tố là vì thông thường nếu phát hiện tham nhũng, vi phạm lớn chuyển vụ việc qua cơ quan công an mới xem xét khởi tố. Còn những vụ việc này chưa đến mức phải khởi tố. Ông Hào cho biết sẽ đề nghị Chính phủ cho thực hiện đợt thanh tra chuyên đề diện rộng về quản lý đất đai nông, lâm trường vào năm 2016.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai tại các nông, lâm trường vẫn phổ biến dưới các hình thức như lấn, chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật; nhiều trường hợp kéo dài đã nhiều năm nhưng chậm được giải quyết. Kết quả thanh tra toàn diện việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng đất tại các nông, lâm trường tại 79 đơn vị trên địa bàn 41 tỉnh, TP cũng cho thấy có 17 đơn vị (21,52%) có tranh chấp về quyền sử dụng đất với các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức với diện tích 43,2 ha; 50 đơn vị (63,29%) đã bị 4.823 hộ gia đình, cá nhân, 105 tổ chức lấn, chiếm đất với tổng diện tích là 10.084,62 ha; ba đơn vị (3,8%) đã lấn, chiếm hoặc được giao chồng lấn vào đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức và địa phương với diện tích là 27,96 ha. |