Ông Nguyễn Ngọc Lương vừa bị Chi cục Thi hành án (THA) thị xã Thuận An (Bình Dương) mời lên thông báo là sẽ kê biên nhà để trả nợ cho chủ cũ. Cơ sở pháp lý là theo khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 14/2010 của Bộ Tư pháp - VKSND Tối cao - TAND Tối cao (về xử lý tài sản THA). Ông Lương phản đối cho rằng ông không phải là người phải THA và từ đầu không liên quan đến việc kiện tụng của các bên.
Nguyên do tháng 11-2010, ông Lương mua của ông Phạm Văn Thuận 430 m2 đất vườn thuộc ấp Bình Đáng, xã Bình Hòa (Thuận An). Hai bên đã làm hợp đồng công chứng. Trước và trong khi ký công chứng, đất này không bị ngăn chặn bởi cơ quan có thẩm quyền. Đầu năm 2011, ông Lương xin chuyển mục đích sử dụng thì được UBND thị xã chuyển thành đất ở và cấp giấy hồng mới đứng tên ông. Ông tiếp tục xin phép xây nhà và cũng được chấp thuận.
Căn nhà của ông Lương mà thi hành án thông báo sẽ kê biên. Ảnh: T.TÙNG
Xây xong nhà ông Lương mang giấy hồng thế chấp tại ngân hàng để vay vốn làm ăn. Bất ngờ ngày 11-6 vừa qua, THA thị xã ký văn bản yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin và không cho ông vay tiếp. Ngân hàng hỏi ý kiến thì ông Lương không đồng ý vì cho rằng yêu cầu của THA là trái luật. Tiếp đó, THA thông báo cho ông biết họ đang làm thủ tục ngăn chặn, kê biên nhà, đất.
Tìm hiểu thì ông biết tháng 9-2012, TAND thị xã Thuận An xử một vụ dân sự và tuyên buộc ông Thuận phải trả cho người khởi kiện 2 tỉ đồng. Ông Thuận không tự nguyện nên THA mới xử lý nhà, đất đang đứng tên ông Lương.
Làm việc với THA, ông Lương cho rằng việc kê biên nhà, đất của ông là sai vì ông và ông Thuận mua bán trước khi có bản án hơn hai năm. Ông cũng không biết ông Thuận “dính” đến kiện tụng nên giao dịch của ông là hợp pháp, ngay tình, phải được pháp luật bảo vệ. Lúc mua bán không có bất cứ ngăn chặn nào, sau khi sang tên, ông xin chuyển mục đích, xin phép xây nhà đều được chấp thuận. Việc ông Thuận có dùng tiền bán đất để THA cho người khác hay không không liên quan đến ông. Nhưng THA chỉ trả lời là ông có quyền khởi kiện ông Thuận về việc chuyển nhượng đất.
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM), hướng dẫn của THA không thực hiện được trên thực tế. Bởi việc mua bán giữa hai bên đã xong, không phát sinh tranh chấp nên tòa không thụ lý. Nếu có tranh chấp và tòa tuyên hợp đồng vô hiệu thì bên mua cũng thiệt do bên bán đã mất khả năng thanh toán. Còn nếu người mua kiện quyết định kê biên của THA thì tòa cũng không thụ lý do không thuộc đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính. Đây chính là quy định bất hợp lý của Thông tư 14 đã được chỉ ra. Là văn bản dưới luật nhưng nó đang trái với các luật Đất đai, Nhà ở và Công chứng. “Bất cứ người nào cũng thành người bị hại như ông Lương vì họ không cách nào biết thông tin về tài sản nếu người bán cố tình giấu. Đến khi bị kê biên nhà, đất thì mới ngớ người ra vì nguy cơ mất tiền tỉ. Các cơ quan có thẩm quyền nên nhanh chóng sửa đổi lại quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 14” - TS Tiến đề nghị.