Doanh nghiệp phản ánh ngân hàng không muốn cho vay gói 120.000 tỉ đồng

(PLO)- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng làm nhà ở xã hội (NƠXH) đến nay mới đạt hơn 530 tỉ đồng là quá chậm, trong khi đó doanh nghiệp phản ánh ngân hàng không muốn cho vay. 

Sáng ngày 22-2, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong năm 2024.

Giải ngân quá thấp

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay, hiện đã có đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng làm nhà ở xã hội (Theo nghị quyết 33/2023 của Chính phủ).

“Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 530,973 tỉ đồng” – Ông Nguyễn Văn Sinh thông tin và nhận định việc triển khai gói tín dụng “bước đầu có kết quả, tuy nhiên việc giải ngân còn chậm”

Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng. Ảnh: TP

Liên quan nội dung này, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng phản ánh, một trong những khó khăn của doanh nghiệp làm nhà ở xã hội là tiếp cận với nguồn vốn vay.

“Vốn rất nan giải, gói tín dụng 120.000 tỉ không đi vào cuộc sống. Các ngân hàng không mặn mà, từ lúc làm thủ tục trình đến khi lấy được tiền rất lâu. Thực tế cho thấy giải ngân của gói tín dụng này đến nay không được bao nhiêu, như hạt cát” – ông Toàn nói và cho hay bản thân doanh nghiệp của ông đã tiếp cận nguồn vốn này nhưng chưa được.

Trước ý kiến này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị đại diện doanh nghiệp nói rõ lý do vì sao ngân hàng không muốn cho vay. Ông Toàn trả lời: “Chúng tôi đã tiếp cận và đăng ký vay vốn cho 8 dự án thì 4 ngân hàng tham gia gói tín dụng 120.000 tỉ đồng đều không muốn cho vay. Nguyên nhân là họ sẽ không lấy được phần chênh lệch lãi suất 1,5-2% đã ưu đãi”.

Theo đó ông Toàn đề nghị, nhà nước nên có chính sách giảm lãi suất vay đối với người mua nhà xuống 5%/năm (hiện lãi suất ưu đãi là 7,5%/năm), lãi suất cho vay đối với chủ đầu tư 10% (hiện lãi suất cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư là 8%, thấp hơn so với mức của thị trường từ 1,5 -2%), sẽ cộng vào giá bán. Điều này sẽ đúng quy luật vận hành của thị trường hơn, thủ tục cũng nhanh hơn.

“Thực tế cho thấy doanh nghiệp khi bán 700 căn hộ nhưng tới nay chỉ hơn 100 căn có người mua vay được vốn từ gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp sẵn sàng vay với mức lãi suất 10%, miễn là được nhanh” – ông Toàn nói và cho rằng chính sách về tài chính cần thực tế hơn thì việc thực hiện đề án 1 triệu căn hộ mới nhanh chóng trở thành hiện thực.

Liên quan nội dung này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay có sự hiểu nhầm về gói chính sách 120.000 tỉ đồng.

“Gói 120.000 tỉ không có thủ tục xét duyệt, cấp bù nào từ phía Ngân hàng Nhà nước. Gói tín dụng này do các ngân hàng thương mại chủ động quyết định cho vay với thời hạn, lãi suất ưu đãi” – ông Hà nói.

Ngân hàng Nhà nước phải xem lại

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chốt lại, vấn đề tiền đâu để làm hết sức quan trọng. Hiện nay gói 120.000 tỉ đồng mới giải ngân được hơn 530 tỉ đồng là “vô cùng chậm, nằm im tại chỗ”.

“Các lĩnh vực khác giải ngân rất nhanh vì sao lĩnh vực này lại giải ngân chậm, doanh nghiệp nói khó tiếp cận. Ngân hàng Nhà nước phải xem lại, tiền thì nằm không ở đó, trong khi nhu cầu vay bên ngoài rất lớn. Cần xem lại chính sách sai chỗ nào đó…” – Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh, nhà nước cần cấp bù cho ngân hàng thương mại thì họ mới triển khai chính sách hạ lãi suất cho vay.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TP

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội là chính sách nhân văn, thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội ta là chăm lo cho người dân và hiện thực hoá chế định Hiến pháp mọi công dân đều có quyền về nhà ở.

“Chính sách 1 triệu căn nhà xã hội chỉ là thí điểm ban đầu, vì vậy cần phải xử lý được các tồn tại, vướng mắc để hình thành một cơ chế, chính sách căn cơ, toàn diện để phục vụ cho nhiệm vụ lớn sau này là đảm bảo quyền tiếp cận nhà ở cho mọi người dân” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp về các vướng mắc hiện nay, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng, các bộ ngành liên quan cùng vào cuộc sát sao để tháo gỡ triển khai ngay.

Trước mắt là cụ thể hoá các chính sách vừa được Quốc hội thông qua trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai … để triển khai trên thực tế. Chính phủ sẽ ban hành một số Nghị định để triển khai các luật.

Về vấn đề tài chính làm nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi đồng tình có nguồn tài chính ổn định, nhà nước đóng vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp cũng sẽ tham gia vào đây. Gói 120.000 tỉ đồng chỉ là khởi đầu, chúng ta cần phải có ngân sách, nguồn tài khoá bù vào gói ưu đãi,...”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới