|
Ngày 8-3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ TN&MT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự với mong muốn lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp (DN), chuyên gia.
Có những dự án tám năm không xuôi vì thu hồi, bồi thường
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng nói đến việc thu hồi đất đai để phát triển các dự án kinh tế. Ông cho hay: Khi thu hồi đất đai, DN có thể tự thỏa thuận với người dân. Thỏa thuận xong Nhà nước mới thu hồi, rồi chuyển mục đích sử dụng đất cho các dự án. Nhà nước cũng thu hồi đất đai để tạo quỹ đất, chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường…
|
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CHÂN LUẬN |
Tuy vậy, Phó Thủ tướng cho rằng: “Thực tế hiện nay chưa có một dự án lớn nào DN tự thỏa thuận được với dân. Đó cũng là lý do vì sao hiệu quả sử dụng đất bị ảnh hưởng. Nhà nước vẫn phải thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tính toán chênh lệch địa tô là rất khó khăn. “Thu hồi đất đai” thì phải bồi thường, chúng tôi không dùng “hỗ trợ” nữa”.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho hay có những dự án của DN đã tám năm rồi không thực hiện được vì vướng mắc các vấn đề về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ hoa màu. Ông Hiệp đề nghị làm rõ bồi thường hoa màu mấy vụ; khung giá bồi thường do chính quyền địa phương cấp huyện phê duyệt; đất nông nghiệp để trống vài vụ không canh tác có được bồi thường không.
Theo ông Hiệp, đất ở và đất thương mại dịch vụ khi thu hồi cần bồi thường thỏa đáng theo phương án bồi thường do chính quyền quyết định đảm bảo cho đời sống của người dân không bị thua thiệt. “Nhưng cần làm rõ một vấn đề: Giá bồi thường phải được thực hiện theo đúng phương án giá bồi thường đã được phê duyệt, không thể thực hiện bằng phương pháp tự thỏa thuận giữa từng hộ gia đình với chủ đầu tư” - ông Hiệp nói.
Thậm chí, ông Hiệp cho hay: Nếu để các DN tự thỏa thuận với dân là DN bó tay hết. Hàng trăm, hàng ngàn người trong một dự án sẽ không thỏa thuận được. Việc thỏa thuận này “sẽ tiêu diệt luôn bất động sản”. “Nguyện vọng này không phải mình tôi mà các DN bất động sản đều mong muốn như vậy” - ông Hiệp nói.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, thì đề xuất: “Khi đã đạt được thỏa thuận với đa số người dân thì chủ đầu tư được yêu cầu các cơ quan nhà nước thực hiện thu hồi đất, cưỡng chế nếu các hộ dân còn lại không chịu nhằm tránh hoang hóa và sử dụng đất kém hiệu quả. Nếu chỉ còn 1% không đồng thuận thôi cũng khó thực hiện dự án. Luật có thể cho thực hiện dự án từng phần nhưng dự án là tổng thể”.
Thậm chí, bà Nga còn đề xuất táo bạo hơn: “Nếu trên 50% (thỏa thuận - PV) rồi thì cho phép cưỡng chế. Còn việc tổ chức thế nào, thì căn cứ tình hình thực tế và hài hòa chứ cũng không làm gì để làm mất lòng dân. Có những dự án thửa đất của dân đáng 100 triệu đồng nhưng đòi 1 tỉ đồng thì nhà đầu tư cũng ngất thôi”.
“Đất đai là quyền lợi, tài sản, quyền hiến định của người dân nên không thể quyết định được bằng một tỉ lệ 50% hay 70%. Phải hết sức cân nhắc.”
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Đã quy định rõ ràng
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân sau ý kiến của bà Nga đã giải thích: Dự thảo luật có quy định rất rõ những trường hợp nào phải thu hồi đất. Còn những trường hợp nào quy định phải thỏa thuận thì không thể can thiệp hành chính vào quá trình này được.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định: Để đạt được hài hòa tốt nhất trong thu hồi đất đai, chia sẻ lợi nhuận và chênh lệch địa tô của “người thắng cho người thua” thì phải minh bạch. Đồng thời phải xác định thứ tự ưu tiên. Ông Thành đề nghị phải ưu tiên người dân, rồi đến DN và “dồn phần khó về cho Nhà nước”.
Về vấn đề thỏa thuận giữa DN và người dân khi thực hiện các dự án kinh tế, ông Thành thừa nhận đều có “mặt trái và mặt phải”. Tuy vậy, ông cho rằng dự thảo Luật Đất đai với các quy định như đã thiết kế nếu được thực thi tốt thì sẽ giảm thiểu được các mâu thuẫn, thu hẹp khoảng cách giữa thu hồi và thỏa thuận.
“DN thì vẫn thích được cưỡng chế hơn. Vậy ta cần phải có cơ chế khuyến khích các DN, các nhà đầu tư. Chứ nếu có một loạt các ông được Nhà nước đứng ra thu hồi và một loạt không được Nhà nước đứng ra thu hồi thì không được” - ông Thành nói.
Một lần nữa Thứ trưởng Lê Minh Ngân giải thích rằng: Việc xác định các trường hợp nào Nhà nước phải thu hồi đất, trường hợp nào nhà đầu tư phải thỏa thuận với người dân đã được xác định khá rõ.
Ông Nguyễn Hồng Đại, đại diện VISIP Hải Phòng, cho hay việc thu hồi đất tất yếu dẫn đến việc người dân phải thay đổi môi trường sống cũng như sinh kế. Tuy vậy, theo ông Đại, quy định việc người dân phải có nơi ở “bằng hoặc tốt hơn” nơi ở cũ là khái niệm chung chung, cảm tính, chưa có thước đo hay tiêu chí cụ thể để xác định, thuyết phục người dân có đất bị thu hồi, dễ gây bức xúc, hiểu nhầm trong khi áp dụng dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Điều này dẫn đến việc kéo dài tiến độ giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường tăng mạnh, làm chậm tiến độ triển khai dự án, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận dự báo của các nhà đầu tư.
“Chúng tôi đề xuất sửa đổi nội dung này theo hướng “việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo an sinh xã hội”” - ông Đại nói.
Cần tạo ra một luật phản ánh được thực tiễn
Tôi đánh giá tất cả những ý kiến đều hết sức tâm huyết. Chúng ta thừa nhận có những điều chưa nghiên cứu kỹ. Tôi đề nghị những ai chưa hài lòng, tôi xin được trực tiếp trao đổi. Trao đổi với các ý kiến khác nhau là bình thường vì chúng ta phải tìm ra chân lý chứ không phải ai muốn nói gì thì nói, cơ quan nhà nước cũng không có quyền đó. Chúng ta đều kỳ vọng sẽ tạo ra được một Luật Đất đai phản ánh được thực tiễn.
Đổi mới gì thì đổi mới nhưng phải triển khai được trên thực tế. Chúng ta nhiều khi phán rất giỏi nhưng làm thì chưa tốt. Việc lắng nghe, tiếp thu đều phải có trách nhiệm. Bất cứ chuyên gia nào có tâm huyết và đăng ký, tôi sẽ luôn trao đổi. Nhiệm vụ này hết sức nặng nề.
Phó Thủ tướng Chính phủ TRẦN HỒNG HÀ