Doanh nhân bản lĩnh vượt đại dịch, hồi sinh sản xuất

Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư khiến hàng loạt công ty bị đứt gãy sản xuất, thị trường, dòng tiền và nguồn lao động. Trong những ngày tháng chồng chất khó khăn bao trùm, lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) vẫn vững tay lái, bình tĩnh xử lý công việc của công ty, bảo vệ người lao động và chung tay hỗ trợ cộng đồng để cùng hồi sinh.

CEO vào bệnh viện dã chiến chống dịch

Không chỉ bản lĩnh đưa công ty thoát khỏi khủng hoảng, ông Dương Khắc Tài, Giám đốc Công ty TNHH Logistics Việt Nam, còn tự nguyện vào Trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 thuộc BV ĐH Y Dược TP.HCM để tham gia chống dịch. Đồng thời, ông cũng thực hiện hàng loạt chuyến thiện nguyện giúp đỡ tuyến đầu và người dân gặp khó khăn trong đại dịch.

Doanh nhân Dương Khắc Tài (thứ hai từ phải), Giám đốc Công ty TNHH Logistics Việt Nam, tặng quà Trung thu cho bệnh nhân COVID-19 và
bác sĩ BV Quân y 175. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Vị CEO này chia sẻ nếu không nhanh chân tái cấu trúc các hoạt động của công ty ngay từ khi làn sóng COVID-19 lần thứ tư chớm bùng phát thì có lẽ công ty đã đứt gãy thị trường, mất đối tác và đội ngũ nhân viên khó đứng vững trong đại dịch.

Đặc biệt, nhờ sự quyết đoán mà trong thời gian “ai ở đâu ở yên đó” vận đơn chuyển hàng nhu yếu phẩm đến các hệ thống siêu thị của công ty tại năm tỉnh miền Đông Nam bộ vẫn kín mít. Đội ngũ nhân viên gần như không có ngày nghỉ. Bản thân ông có khi điều hành công việc từ bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19.

“Hiện tại, đơn hàng của công ty tiếp tục bùng nổ nhờ sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, nhân viên công ty. Cùng đó, công ty mở bàn đạp phục hồi thị phần truyền thống bị đứt gãy do đại dịch và đã từng bước khởi sắc trở lại” - ông Tài bật mí.

Cũng gánh chịu những tổn thất nặng nề do đại dịch nhưng nữ doanh nhân Lưu Thị Hồng Liên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Up, vẫn cố gắng cầm cự sản xuất “ba tại chỗ” trong lĩnh vực nước uống đóng chai và nông nghiệp. Giữa thời dịch bao trùm các tỉnh, thành miền Nam chị vẫn bám việc, động viên nhân viên làm việc và xông lên để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.

“Trong lúc dịch căng thẳng, lực lượng tuyến đầu cần hỗ trợ nhiều thứ nên mình xông lên hỗ trợ. Trong suốt thời gian dịch, các nhân viên của công ty đều chạy như con thoi để cung cấp hàng chục ngàn bình nước cho các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 và các khu phong tỏa” - chị Liên chia sẻ.

Nữ CEO tâm sự: “Trong cơn hoạn nạn, thị trường đứt gãy, nếu dừng hoạt động thì khỏe cho mình nhưng anh em công nhân sẽ không có việc làm nên cố gắng xoay xở mọi bề để công ty hoạt động”.

Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, Công ty Việt Up đã đồng hành cùng báo Pháp Luật TP.HCM cung cấp gần 12.000 bình nước đến các tuyến đầu chống dịch, khu phong tỏa để hỗ trợ người dân. Gần nhất, công ty của chị tài trợ toàn bộ nước uống và hàng ngàn phần sữa, trái cây cho gần 3.000 bà bầu, trẻ em và người lớn tuổi của tỉnh Quảng Bình lên tàu về quê.

Chính sách nào tốt cho nhân viên thì thực hiện

“Chính sách nào tốt cho công nhân thì chúng tôi thực hiện hết” - ông Huỳnh Tấn Diệp, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Sài Gòn Precision, chia sẻ. Đó cũng là lời nhắn nhủ của lãnh đạo công ty với đội ngũ phụ trách công đoàn trong quá trình hoạt động “ba tại chỗ” với 1.300/3.300 người lao động tham gia.

Ông Diệp cho rằng nhờ sự quyết đoán và quan tâm sát đời sống công nhân lao động của lãnh đạo công ty nên trong thời gian giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”, công nhân vẫn làm việc để duy trì chuỗi sản phẩm không bị đứt gãy, vừa bảo vệ việc làm cho giai đoạn hậu COVID-19. Nếu không quyết tâm thì DN sẽ đóng cửa nhà máy vì chi phí đội lên quá lớn, thậm chí không có lãi nhưng lãnh đạo công ty vẫn quyết tâm mở cửa hoạt động.

“Đó cũng là cách giữ đơn hàng không trôi qua nước khác để anh chị em công nhân có việc làm trong thời dịch và duy trì đơn hàng thời hậu COVID-19” - người đứng đầu công ty này nhận xét.

Ngoài những chính sách như tiêm vaccine, thăm hỏi gia đình công nhân nằm trong vùng cách ly, các trường hợp F0 đều có sự động viên hỗ trợ kịp thời, công ty còn trả lương 175% cho anh chị em đi làm “ba tại chỗ”. Với những người không đi làm trong giai đoạn dịch căng thẳng vẫn được nhận lương cao hơn mức tối thiểu để cùng chia sẻ vượt qua đại dịch. Nhờ vậy, tinh thần chia sẻ, đồng hành của lực lượng công nhân lao động đối với công ty rất cao.

Trong giai đoạn dịch căng thẳng, Công ty TNHH Nissei Việt Nam cũng hoạt động “ba tại chỗ”. Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch công đoàn công ty, cho hay nhờ có khu lưu trú công nhân mà công ty vẫn duy trì sản xuất, có việc làm ổn định cho hàng ngàn người lao động. Đơn cử như chăm lo sức khỏe từng bữa ăn, tâm lý của anh chị em công nhân lúc tham gia làm việc lâu ngày tại công ty.

Nhờ vậy, dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng công ty vẫn đảm bảo 100% lương cho người đi làm. Đối với những người không đi làm vẫn được hỗ trợ 70% lương để đảm bảo cuộc sống.

“Cũng chính vì vậy, những ngày này có 80% công nhân đã quay lại nhà máy làm việc với tinh thần thoải mái, nhiều năng lượng. 20% còn lại là anh chị em sống ở Đồng Nai và Bình Dương sẽ có mặt trong những ngày tới. Một bộ phận chị em nghỉ do sắp xếp việc chăm con. Còn tỉ lệ công nhân về quê không nhiều lắm và đa số phản hồi sẽ quay lại làm việc trong những ngày tới” - bà Vân báo tin vui.

Nữ CEO Lưu Thị Hồng Liên, giám đốc Công ty TNHH Việt Up hỗ trợ hàng nghìn chai nước, sữa đến bà con miền Trung trên bốn đoàn tàu từ TP.HCM về Quảng Bình. Ảnh: PHONG ĐIỀN

 

Cần chắt chiu vốn quý

Giám đốc Công ty TNHH Logistics Việt Nam Dương Khắc Tài nhận định để phục hồi thị trường cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn nhất, đội ngũ nhân viên của công ty vẫn bám việc, bám thị trường để cùng nhau vượt khó.

“Đó là vốn quý cần chắt chiu, gìn giữ cho chiến lược phát triển lâu dài. Bởi thế, không chỉ trả lương tốt cho nhân viên mà công ty này còn mua bảo hiểm COVID-19 để người lao động yên tâm làm việc” - ông Tài nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới