(Nguồn: theguardian.com)
Một sự thay đổi lớn lao trong mô hình kinh doanh báo chí cuối cùng đã xuất hiện sau nhiều năm thai nghén.
“Giả định cơ bản về mô hình kinh doanh báo chí - khoản lợi nhuận phụ mà các nhà quảng cáo từ lâu mang lại cho nội dung tin tức - đã không còn nữa,” ông Larry Kilman, Tổng thư ký WAN-IFRA, người trình bày kết quả bản điều tra tại Hội nghị báo chí thế giới lần thứ 67, Diễn đàn các nhà biên tập thế giới lần thứ 22 và Diễn đàn quảng cáo thế giới lần thứ 25 tại Washington, D.C. cho biết. “Chúng tôi có thể tự tin khẳng định rằng độc giả đã trở thành nguồn doanh thu lớn nhất của các nhà xuất bản.”
Doanh thu từ xuất bản và quảng cáo của báo chí đã đạt 179 tỷ USD trong năm 2014 - nhiều hơn so với doanh thu từ xuất bản sách, âm nhạc hay phim ảnh. 92 tỷ USD trong số này đến từ báo in và báo điện tử, trong khi 87 tỷ USD đến từ quảng cáo.
“Đây là một sự chuyển dịch chấn động từ mô hình lấy trọng tâm là từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp, hay từ nhà xuất bản tới nhà quảng cáo - sang trọng tâm từ doanh nghiệp tới khách hàng, hay từ nhà xuất bản tới độc giả,” ông Kilman cho biết.
Trong thế kỷ 20, quảng cáo đã mang lại tới 80% doanh thu cho một số thị trường. Tỷ lệ này có sự khác biệt ở các thị trường khác nhau, tại những thị trường ở châu Âu và châu Á, quảng cáo có thể đóng góp tới 40% doanh thu.
Tuy nhiên, bản điều tra cho thấy doanh thu từ quảng cáo trên báo chí đang giảm xuống ở mọi nơi, trong khi doanh thu từ việc phát hành báo chí lại tương đối ổn định.
“Báo in từng là một trong số vài kênh tiếp thị truyền thống, và thường là lựa chọn phổ biến nhất cho các thương hiệu, cũng như là lựa chọn logic của các nhà tiếp thị. Mối quan hệ phụ thuộc trực tiếp này hiện đã không còn tồn tại nữa. Các nhà quảng cáo ngày nay có tới hơn 60 kênh truyền thông để lựa chọn. Tuy nhiên trong năm 2015, câu chuyện của ngành công nghiệp báo chí không xoay quanh việc bị khai tử, hoạt động ảm đạm hay suy giảm doanh thu. Báo chí khắp thế giới đã thành công trong việc chứng minh giá trị của mình với các nhà quảng cáo trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng. Báo chí đã tìm được những thị trường mới và những mô hình kinh doanh mới phù hợp với các sản phẩm tin tức như quảng cáo và lưu hành ấn bản. Những doanh nghiệp báo in đã trở thành những doanh nghiệp tin tức và truyền thông đa nền tảng đích thực,” ông Kilman nhận định.
Mặc dù báo chí hiện nay đã trở nên phổ biến trên mọi nền tảng truyền thông, nhưng trước đó trong thế kỷ 20, độ phủ sóng và tầm ảnh hưởng của báo chí vẫn dậm chân tại chỗ, chủ yếu trông cậy vào lưu hành các bản in và hàng loạt các phương thức phủ sóng rời rạc và không đạt tiêu chuẩn trên Internet. Thách thức với ngành công nghiệp báo chí là phải đánh giá được độ bao phủ của nội dung tin tức trên mọi nền tảng với những phương thức thống kê mới.
Điều tra của World Press Trends bao gồm dữ liệu từ hơn 70 quốc gia, chiếm hơn 90% giá trị xuất bản toàn cầu. Các dữ liệu được lập ra từ khối lượng hoạt động công việc khổng lồ của hàng loạt các tờ báo và các tổ chức thông tin và truyền thông của các quốc gia, cùng như từ những nguồn cung cấp thông tin toàn cầu như Zenith Optimedia, IPSOS, ComScore, RAM và ITU.
Bản điều tra được trình bày hàng năm tại các hội nghị toàn cầu về báo chí trên thế giới cho thấy:
Tương lai là Di động
8/10 người dùng điện thoại thông minh kiểm tra điện thoại của mình trong 15 phút đầu tiên sau khi thức dậy. Có một cuộc chiến đang diễn ra nhằm thu hút sự chú ý của độc giả, và các thiết bị di động đang chiếm ưu thế.
- Theo báo cáo tiêu thụ truyền thông di động InMobi, tính trên toàn cầu, các khách hàng dành trung bình gần 2,2 giờ mỗi ngày dùng điện thoại đi động (97 phút) và máy tính bảng (37 phút), chiếm 37% thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông, bỏ xa sử dụng ti vi (81 phút), máy tính bàn (70 phút), radio (44 phút) và báo in (33 phút).
- Khoảng một nửa tương tác với các thiết bị di động là sử dụng các ứng dụng, với 30% số đối tượng hàng tháng của các kênh truyền thông là người dùng điện thoại di động.
- Lần đầu tiên số đối tượng dùng máy tính bàn giảm xuống. Tại Mỹ, Anh và Italy, thời gian dành cho điện thoại thông minh đang vượt qua thời gian lướt web trên máy tính. Theo Pew Research, xét trong 19/25 trang tin tức hàng đầu nước Mỹ, lượng truy cập từ điện thoại di động đã vượt qua truy cập từ máy tính bàn ít nhất 10%. Những người chỉ dùng các thiết bị di động để xem các nội dung báo chí điện tử đã tăng 53% trong tháng 3/2015 so với cùng kỳ năm ngoái, theo một báo cáo của Hiệp hội báo chí Hoa Kỳ.
“Khi nói tới những nguồn thu mới, chúng ta đã nói về kỷ nguyên của các thiết bị di động trong suốt 10 năm qua. Điều đó cuối cùng cũng đã xảy ra. Trong năm 2014, lượng người dùng máy tính bàn để truy cập Internet trên toàn cầu đã giảm đi vì sự ưa chuộng các thiết bị di động. Và việc sử dụng các ứng dụng di động đang chiếm số đông trong các hoạt động truyền thông điện tử tại Mỹ,” ông Kilman cho biết.
Lượng phát hành báo chí tăng ở phương Đông, giảm ở phương Tây
Lượng đọc của báo chí điện tử tăng
- Khoảng 2,7 tỷ người trên thế giới đọc báo in và hơn 770 triệu người đọc báo điện tử. Tuy nhiên, có một bằng chứng ngày càng rõ ràng - từ những quốc gia với số liệu phức tạp và thiết thực (sophisticated and robust metrics) - rằng báo in và báo điện tử đang cùng làm gia tăng lượng độc giả báo chí toàn cầu. Ví dụ, các số liệu từ Australia cho thấy gần 86% người trưởng thành đọc tin tức trên một nền tảng nào đó. Ở Anh, con số này là 83%, và ở Chile là gần 82%.
- Lượng phát hành báo in đã tăng +6,4% toàn cầu trong năm 2014 so với năm trước đó và đã tăng tổng cộng +16,5% trong 5 năm. Con số này chủ yếu nhờ vào việc tăng lượng phát hành báo in tại Ấn Độ và một số nơi khác ở châu Á; ngành kinh doanh báo chí tại Ấn Độ vẫn là ngành công nghiệp báo in ổn định nhất thế giới. Những con số mới cập nhật từ Ấn Độ đã có ảnh hưởng đáng kể tới bức tranh chung toàn cầu, một phần là nhờ số ấn bản không ngừng tại đây.
- Lượng phát hành đã tăng +9,8% ở châu Á năm 2014 so với năm trước đó, tăng +1,2% ở Trung Đông và châu Phi, và tăng +0,6% ở châu Mỹ Latin. Ở Bắc Mỹ, lượng lưu thông giảm -1,3%, ở châu Âu giảm -4,5% và ở Australia và châu Đại Dương giảm -5,3%. Trong vòng 5 năm, lượng phát hành báo chí tăng +32,7% ở châu Á, +3,7% ở Trung Đông và châu Phi, và khoảng +3% ở châu Mỹ Latinh; giảm -8,8% ở Bắc Mỹ, -21,3% ở châu Âu và -22,3% ở Australia và châu Đại Dương.
- Tại các thị trường đã trưởng thành, báo chí đang thông qua các chiến lược mới nhằm kiếm được nhiều doanh thu hơn từ lượng người theo dõi ít hơn. Những chiến lược này bao gồm tăng giá bìa và giảm chi phí sản xuất qua việc giảm số lần in. Tuy nhiên những biện pháp này có nguy cơ khiến một số phân khúc độc giả xa lánh nhà xuất bản.
- Lượt đọc (view) báo điện tử có thu phí đã tăng 56% trong năm 2014và tăng hơn 1,420% trong vòng 5 năm qua. Trong báo cáo điều tra của Viện tin tức điện tử Reuters thực hiện tại 10 quốc gia, cứ 10 người từ có 1 người trả tiền để đọc tin tức điện tử. Ở Brazil, con số này là 22% và ở Anh là 7%.
Báo in vẫn có doanh thu
- Tính trên toàn cầu, hơn 93% doanh thu báo chí đến từ báo in, và báo in vẫn sẽ tiếp tục là nguồn doanh thu chính trong nhiều năm nữa. Cùng lúc, ngành báo chí khắp thế giới đang bỏ nhiều công sức cùng như tăng cường tính sáng tạo để chuyển đổi mô hình kinh doanh từ hai chiều sang đa chiều.
- Theo PricewaterhouseCoopers, tuy quảng cáo điện tử chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu báo chí, nhưng nó vẫn đang tiếp tục phát triển với tốc độ đáng kể, tăng 8% trong năm 2014 và 59% trong vòng 5 năm. Truyền thông xã hội và các công ty công nghệ vẫn tiếp tục là những người đứng sau quảng cáo điện tử. Google chiếm thị phần lớn nhất với 38% (19,3 tỷ USD) doanh thu từ quảng cáo điện tử. Facebook chiếm thị phần gần 10% năm 2014, và là công ty có doanh thu lớn nhất từ quảng cáo điện tử và di động.
Quảng cáo trên tivi vẫn đứng đầu nhưng Internet và thiết bị di động đang thu lợi
- Quảng cáo trên tivi vẫn tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất trên toàn cầu, với gần 40%, theo sau đó là quảng cáo trên máy tính và Internet di động với hơn 24%, báo 15%, tạp chí 7,3%, quảng cáo ngoài trời và trên radio 7,3%, và quảng cáo tại các rạp chiếu phim 0,5%.
- Quảng cáo in toàn cầu đã giảm - 5,17% trong năm 2014 so với năm trước đó và giảm -17,51% trong vòng 5 năm. Từ khi xuất hiện giữa những năm 90, quảng cáo trên Internet (cả máy tính và di động) đã tăng lên chủ yếu do chi phí in ấn.
- Quảng cáo trên báo in đã tăng +4,86% ở châu Mỹ Latin năm 2014 so với năm trước đó, tăng +2,21% ở Trung Đông và Bắc Phi, nhưng giảm ở các khu vực khác: -6,54% ở châu Á Thái Bình Dương; -7,5% ở Bắc Mỹ và -5,01% ở châu Âu. Trong vòng 5 năm, quảng cáo trên báo in đã tăng +27,68% ở châu Mỹ Latinh; giảm -28,22% ở Bắc Mỹ, -22,11% ở Trung Đông và châu Phi, và -7,34% ở châu Á-Thái Bình Dương.
- Chi tiêu cho quảng cáo trên Internet (adspend) đã vượt qua tổng chi tiêu trên cả báo và tạp chí trong năm 2014. Trong 10 năm qua, quảng cáo trên Internet đã tăng từ 4% chi tiêu toàn cầu lên 24%. Tính trong cùng kỳ, thị phần chi tiêu toàn cầu của báo đã giảm còn một nửa, từ 30% còn 15%, trong khi tạp chí giảm từ 13% xuống 7,3%.
- Doanh thu từ quảng cáo trên báo điện tử sẽ không thay thế được doanh thu lớn từ báo in, nhưng vẫn tăng lên đáng kể. Quảng cáo trên báo điện tử tăng +8,5% trong năm 2014 và tăng gần 60% trong vòng 5 năm qua.
WAN-IFRA, tổ chức thế giới về báo chí và các nhà xuất bản tin tức là nhà cung cấp hàng đầu các nghiên cứu trong ngành cùng những bản phân tích xác định và công bố những đột phá quan trọng và những cơ hội có lợi cho truyền thông tin tức toàn thế giới.
Báo cáo Xu hướng báo chí thế giới, nguồn tài liệu hàng đầu về các số liệu báo chí và xu hướng toàn cầu đã được WAN-IFRA xuất bản từ năm 1989.
Các dữ liệu được trình bày trong một báo cáo thường niên tới toàn bộ các thành viên của WAN-IRA, và cũng có thể được truy cập tại cơ sở dữ liệu tương tác một cách miễn phí.
Với những người chưa là thành viên, WAN-IRA cung cấp cơ sở dữ liệu thông qua truy cập cá nhân trên cơ sở đóng phí dài hạn hàng năm và truy cập bằng địa chỉ IP cho phép các công ty, trường đại học và thư viện đưa thông tin đến với nhiều người dùng hơn.
Chi tiết xem tại http://www.wan-ifra.org/wpt