Độc đáo bảo tàng thôn đầu tiên của cả nước

Ngày 15-5, người dân thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã tổ chức lễ khai trương Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Đây là bảo tàng đầu tiên do cộng đồng một thôn đầu tư và tổ chức trưng bày giới thiệu về truyền thống của một làng nghề, làng nhiếp ảnh.

Bảo tàng là một tòa nhà ở giữa làng, cạnh đình Đụn, dự kiến xây ba tầng. Tuy nhiên trong giai đoạn 1 mới chỉ dừng lại ở hai tầng.

Một trong những cuộc họp của người dân về việc xây dựng bảo tàng của thôn. 

Tổng diện tích trưng bày gần 300 m2. Bảo tàng tập trung kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá và mong muốn trả lời nhiều câu hỏi như làm thế nào ông tổ nghề ảnh của làng và những học trò của ông có thể làm cho làng trở thành một làng nghề, dân làng có kiếm sống được bằng nghề ảnh? Họ đã xây dựng thương hiệu ảnh của mình như thế nào? Những người Lai Xá đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển văn hóa ảnh ở nước ta?

Tuy nhiên, để xây dựng được bảo tàng với người dân trong thôn cũng là chuyện không hề đơn giản, mà trong đó vấn đề quỹ đất là khó khăn đầu tiên.

“Lãnh đạo thôn và nhân dân đã bàn bạc, đưa ra nhiều phương án rồi cuối cùng quyết định lấy khu đất nhà hậu ở gần đình Đụn làm nơi xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Nhà hậu là nơi thờ các cụ hậu, tức những người trong làng không có người thừa tự thờ cúng sau khi chết nên họ đã đóng góp ruộng, tiền mua đất, xây nhà, tiền để dân làng thờ phụng. Đây là một truyền thống từ lâu của làng” - ông Đặng Tích, một trong những bậc cao niên của thôn, chia sẻ.

Vấn đề tiếp theo đó là kinh phí xây dựng, trao đổi với chúng tôi, ông Tích tiết lộ số tiền để xây dựng bảo tàng khoảng 3 tỉ đồng. “Đó hoàn toàn là tiền của người dân trong thôn đóng góp, một phần lấy từ quỹ còn lại của thôn. Chúng tôi không áp đặt mỗi hộ, hay mỗi người phải đóng bao nhiêu, tùy tâm thôi. Người góp 100 triệu, người góp 10.000 cũng được” - ông Tích nói.

Một trong những hiệu ảnh xưa của người làng Lai Xá.

Để có được các hiện vật trưng bày trong triển lãm, khoảng 15-20 năm trước ông Đặng Tích đã dày công tìm hiểu, sưu tầm, viết thành tài liệu hay cung cấp tin cho các nhà báo hay những ai muốn viết về nghề ảnh Lai Xá. Những thông tin của ông cũng phần nào giúp nhà báo nhiếp ảnh lão thành Hoàng Kim Đáng có cơ sở để viết cuốn Lai Xá - làng nhiếp ảnh (NXB Chính trị quốc gia, 2004).

Bên cạnh đó, lãnh đạo thôn và CLB nhiếp ảnh Khánh Ký đã tổ chức cuộc vận động cộng đồng nhiếp ảnh Lai Xá hiến tặng các hiện vật, tư liệu về nghề ảnh hoặc có liên quan.

Một góc trưng bày trong bảo tàng. Hình ảnh ở Sài Gòn (xưa).

“Ông Nguyễn Văn Thắng đến từng nhà vận động; ông Nguyễn Văn Nhật vào cả TP.HCM tìm gặp các chủ hiệu ảnh người Lai Xá. Cuộc vận động ngay lập tức đã được sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của những thợ ảnh, nhà nhiếp ảnh, các chủ hiệu ảnh xưa và nay. Đặc biệt các thợ ảnh và nhà nhiếp ảnh lão thành rất nhiệt tình sưu tầm và tặng cho bảo tàng nhiều máy ảnh và các thiết bị khác của nghề ảnh” - PGS-TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) kể lại.

Tòa nhà Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá được dân làng dự kiến xây ba tầng nhưng ở giai đoạn đầu hiện nay do hạn hẹp về kinh phí nên mới chỉ hoàn thành được hai tầng, gần 300 m2. 

Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Đây được coi là nơi phát tích ra nghề nhiếp ảnh Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, trong lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm Ất Sửu (1865), cụ Đặng Huy Trứ (quê làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) đã được chứng kiến kỹ thuật nhiếp ảnh do người Anh đưa sang, đang được nhiều người ưa chuộng. Do rất thích thú với kỹ thuật nhiếp ảnh này, trong lần đi sứ tiếp theo (1867), cụ đã thuê một người Hoa mua sắm giúp dụng cụ, máy móc để học nhiếp ảnh.

Về nước năm 1869, cụ Trứ mở hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam với tên gọi Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, nay là ngõ Gạch, Hà Nội. Tuy nhiên, do chiến tranh, hiệu ảnh đã phải đóng cửa.

Năm 1890, dưới sự giúp đỡ của chú ruột, cụ Nguyễn Đình Khánh (người làng Lai Xá) đã ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Du Chương trên phố Hàng Bồ của người Hoa. Sau những tháng ngày vất vả học nghề, do nắm bắt được những bí quyết trong nghề nhiếp ảnh, năm 1892, cụ đã tự mở một cửa hiệu riêng lấy tên là Khánh Ký trên phố Hàng Da (Hà Nội).

Kế tục sự nghiệp của các bậc tiền bối, người dân Lai Xá hằng ngày vẫn bảo tồn và phát triển nghề. Từ giữa năm 2002, Lai Xá đã thành lập CLB nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh với mục đích trao đổi kinh nghiệm, thể hiện niềm đam mê nhiếp ảnh, đồng thời bảo tồn và phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh của làng.

Hằng năm cứ đến ngày 15-2 âm lịch, người dân Lai Xá lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ và suy tôn ông tổ làng nghề Nguyễn Đình Khánh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới